Trang thông tin điện tử

Huyện Bình Sơn

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến xe công nông, xe ba, bốn bánh và xe kéo cộ

Thời gian qua trên địa bàn huyện Bình Sơn xảy ra 02 vụ tai nạn giao thông làm 02 người chết liên quan đến xe công nông, xe ba, bốn bánh sản xuất, lắp ráp trái quy định. Nhằm ngăn chặn triệt để, xử lý nghiêm các phương tiện xe công nông, xe ba, bốn bánh không đủ điều kiện tham gia giao thông; từ đầu tháng 8/2024 đến nay, Công an huyện Bình Sơn đã phát hiện, xử lý 09 phương tiện vi phạm (gồm 07 xe ba bánh, 02 xe công nông độ chế), phạt tiền 59.8 triệu đồng và tịch thu cả 09 phương tiện theo quy định.

Xe ba, bốn bánh sản xuất, lắp ráp trái quy định (gọi tắt là xe tự chế) là các loại xe không đáp ứng đủ các điều kiện của xe cơ giới khi tham gia giao thông; chưa được các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật, đăng ký và cấp biển số theo quy định gồm: các loại xe tương tự xe ô tô, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy (kể cả xe đạp điện).

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 771 phương tiện “xe tự chế”, gồm: xe công nông, xe 3, 4 bánh, xe kéo cộ... Các loại xe này thường sử dụng vào mục đích để chở hàng hóa, vật liệu xây dựng, chở keo…, hoạt động ở tất cả các tuyến đường, tập trung nhiều ở các tuyến đường thôn, xóm.

 

Tai nạn giao thông liên quan đến xe công nông, ba bánh

Theo quy định về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật thì tất cả các loại xe tự chế không đảm bảo các điều kiện về an toàn như: Không bố trí đủ hệ thống đèn chiếu sáng, đèn hiệu, còi hiệu, phanh hãm, đặc biệt là chưa được kiểm định an toàn kỹ thuật của xe. Về điều kiện của người điều khiển: Hầu hết người điều khiển phương tiện không được đào tạo, cấp giấy phép điều khiển xe. Bên cạnh đó các phương tiện trên thường chở quá trọng tải, đi không đúng phần đường, làn đường, chuyển hướng sang đường không đúng quy định… tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Ngay từ đầu năm 2024, Công an huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an cấp xã tuyên truyền vận động người dân ký cam kết không đưa xe tự chế tham gia giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp xe tự chế tham gia giao thông. Theo đó 100% chủ phương tiện, người điều khiển trên địa bàn huyện có xe tự chế đã được Công an cấp cơ sở tổ chức tuyên truyền, ký cam kết.

Theo quy định tại Điều 16, Điều 17 và Điều 18 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi sử dụng xe tự chế trái quy định tham gia giao thông như sau: Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tự sản xuất, lắp ráp trái quy định: phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng và có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như bị tịch thu phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng. Đối với người điều khiển xe ô tô tự sản xuất, lắp ráp trái quy định: phạt tiền từ 10.000.000 đến 12.000.000 đồng và có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như bị tịch thu phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng. Đối với người điều khiển máy kéo, xe chuyên dùng tự sản xuất, lắp ráp trái quy định: phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng và có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 tháng đến 3 tháng.

Khi sử dụng xe tự chế, xe cấm lưu hành gây tai nạn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 - 100.000.000 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm tùy theo mức độ và hậu quả; bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 1 đến 5 năm; bồi thường thiệt hại về người và tài sản.

Để bảo đảm tình hình trật tự an toàn giao thông, đem lại cuộc sống bình an cho mọi người, mọi nhà, mỗi người dân, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, chủ bãi vật liệu xây dựng… nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành tốt pháp luật, không sử dụng, thuê, mướn xe ba, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp, xe mô tô kéo theo xe khác, vật khác để vận chuyển hàng hóa; không mua bán linh kiện, phụ tùng xe không có nguồn gốc hóa đơn, chứng từ; thay đổi tổng thành khung, máy, linh kiện của các phương tiện khác nhau để lắp ráp thành phương tiện mới; không bán hàng cho người mua sử dụng xe tự sản xuất, lắp ráp vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm về TTATGT liên quan đến xe công nông, xe ba bánh, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp, xe mô tô, xe gắn máy kéo theo xe khác, vật khác để lực lượng Cảnh sát giao thông kịp thời kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tin, ảnh: Tiên Trần


Kết quả giải quyết hồ sơ

Thống kê truy cập

Đang online: 1
Hôm nay: 72
Hôm qua: 1.313
Năm 2025: 20.511
Tất cả: 20.532