Trang thông tin điện tử

Huyện Bình Sơn

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phong tục lì xì đầu năm mới

Lì xì đầu năm là một trong những phong tục của người Việt, mang thông điệp cầu chúc may mắn, tài lộc và hạnh phúc trong năm mới. Đây không chỉ là hành động trao nhau phong bao đỏ mà còn là cách gắn kết tình thân, thể hiện sự quan tâm giữa các thế hệ.

Dù là Tết xưa hay Tết nay thì người dân Việt Nam vẫn luôn giữ cho mình nét văn hóa truyền thống tốt đẹp lì xì đầu năm mới.  Lì xì Tết được xem là biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng và lời chúc tốt lành gửi đến những người thân yêu.  Đối với người Việt Nam Tết Nguyên Đán không chỉ là khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mà còn là dịp để mọi người cùng nhau chia sẻ niềm vui, sum họp và duy trì những phong tục truyền thống tốt đẹp.

Bao lì xì ngày tết

Phong tục lì xì thường bắt đầu từ sáng mùng Một Tết, khi cả gia đình quây quần bên nhau, cùng dùng bữa cơm đầu năm và trao gửi những lời chúc tốt đẹp. Vào dịp này, ông bà, cha mẹ thường mừng tuổi cho con cháu, kèm theo những lời chúc tốt đẹp. Đáp lại, con cháu chúc thọ ông bà, bày tỏ lòng hiếu kính. Khi khách đến nhà, trẻ nhỏ cũng thường được nhận lì xì từ chủ nhà như một cách chúc tụng may mắn. Ngược lại, khách cũng trao lì xì cho con trẻ của gia đình chủ, tạo nên một không khí ấm cúng và vui tươi.

Lì xì không chỉ giới hạn trong ngày mùng một Tết mà mọi người có thể lì xì trong suốt ba ngày đầu năm. Thậm chí có thể kéo dài đến tận những ngày mùng chín, mùng mười của Tết. Ngày nay, vào những dịp Tết cổ truyền, lì xì không chỉ dành cho trẻ con mà nó cũng được lì xì cho cha mẹ, bạn bè, người thân… để lấy “hên” đầu năm mới. Người lớn cũng lì xì trẻ nhỏ và chúc các con chăm ngoan, học giỏi, hiếu hảo với ông bà, cha mẹ.

    Lưu truyền đến ngày nay, tục lì xì đã thay đổi ít nhiều bởi thói quen của người lớn dẫn đến việc con trẻ thường coi trọng “nội dung” bao lì xì mà ít quan tâm đến những ý nghĩa tốt đẹp của phong tục này. Để gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, các bậc phụ huynh nên lưu ý không cho quá nhiều tiền vào bao lì xì và dạy trẻ biết trân trọng ý nghĩa sâu xa của phong tục này, chứ không phải giá trị vật chất trong những bao lì xì. Tết trẻ con nhận được  nhiều tiền lì xì đầu năm. Nếu cha mẹ không có định hướng giáo dục trẻ cách nhận tiền lì xì và sử dụng tiền lì xì thì rất có thể sẽ tạo cơ hội để làm hư trẻ. Các con sẽ mặc nhiên hiểu rằng số tiền lì xì là của mình và toàn quyền sử dụng nó vào những việc không đúng mục đích như: Chơi game, mua máy chơi game, mua điện thoại hoặc những đồ xa xỉ... Cho nên, mỗi khi lì xì cho con trẻ, người lớn phải tận dụng cơ hội này để dạy bảo con cái. Như vậy, lì xì cho trẻ nhỏ mới có ý nghĩa..  Hãy dặn trẻ em khi nhận lì xì cần nói lời cảm ơn và chúc Tết người tặng thay vì mở ngay phong bao trước mặt họ.

Lì xì không chỉ là một phong tục dành cho ngày Tết mà nó còn mang tính giáo dục, kế thừa rất cao và cần được xem như một nghệ thuật sống đẹp của người Việt Nam để giáo dục cho con cháu chúng ta và các thế hệ sau này về một nghệ thuật cho, tặng, biếu, mừng tuổi, lì xì trong cuộc sống thường ngày và trong các ngày lễ hội cổ truyền của dân tộc.

Lì xì Tết là phong tục chứa đựng tình cảm, lòng biết ơn và sự gắn kết giữa các thế hệ. Đặc biệt, nó còn là bài học sâu sắc về việc chia sẻ và trao đi yêu thương. Việc duy trì phong tục này không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa mà còn giúp mỗi dịp Tết thêm phần ý nghĩa./.


Tác giả: Bài, ảnh: Quỳnh Liên

Thông tin tiện ích

Thống kê truy cập

Đang online: 47
Hôm nay: 1.278
Hôm qua: 5.207
Năm 2025: 655.429
Tất cả: 655.450