Trang thông tin điện tử

Huyện Bình Sơn

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngư dân hành nghề câu mực vươn khơi

Sau gần 3 tháng cập bờ, để tu sửa tàu thuyền, ngư lưới cụ;  ngư dân hành nghề câu mực khơi ở xã Bình Chánh  đã và đang chuẩn bị vươn khơi trong mùa biển mới.

Tàu câu mực khơi của ngư dân Bình Chánh chuẩn bị vươn khơi

Những ngày này về làng chài thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh dễ dàng bắt gặp hình ảnh ngư dân tất bật chuẩn bị ngư cụ, lương thực, thực phẩm để ra khơi khai thác hải sản xa bờ.  Ngư dân Nguyễn Thành Trung, ở thôn Mỹ Tân, thuyền viên tàu cá QNg 95073, hành nghề câu mực khơi chia sẻ, mỗi năm chúng tôi lênh đênh ở vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa hơn 9 tháng để đánh bắt hải sản. Với ngư dân, những con tàu đã trở thành ngôi nhà trên sóng nước và biển, đảo luôn là quê hương. Anh Trung đã có gần 30 năm theo nghề biển. Theo anh Trung, chuyến ra khơi đầu năm là chuyến biển đầy hứa hẹn bởi thời tiết thuận lợi, mực nhiều. Những chuyến biển giữa năm và cuối năm thường gặp áp thấp nhiệt đới, mưa bão nên mực ít.

         Ngư dân Nguyễn Thành Trung chuẩn bị rườn câu để vươn khơi

Năm nào cũng vậy, hầu hết tàu câu mực ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn cứ ăn Tết Nguyên Đán xong, qua rằm tháng Giêng là ra khơi khai thác hải sản. Trong khoảng thời gian này, các tàu thuyền, họp anh em bạn chài, động viên bám biển và chọn ngày tốt để vươn khơi, bước vào chuyến biển đầu tiên của năm. Ngư dân Nguyễn Năng ở thôn Mỹ Tân cho biết: Mấy năm trước khoảng qua rằm tháng giêng tàu xuất bến nhưng năm nay thì  có thể kéo dài qua 25 âm lịch vì thời tiết còn không khí lạnh. Anh cho biết, năm 2024 anh ra khơi 3 chuyến, câu được hơn 2 tấn mực khô; trong đó chuyến biển đầu tiên năm 2024, anh câu được hơn 1,3 tấn mực khô, sau 3 tháng vươn khơi. Chuyến đó mực được mùa nhưng giá bán lại giảm 10% so với năm trước. Vì vậy, anh hy vọng mùa biển năm nay mực sẽ được mùa, được  giá..

Ngư dân xã Bình Chánh đưa thuyền thúng lên tàu để vươn khơi hành nghề câu mực.

Anh Võ Minh Hiền, chủ tàu QNg 85221 hành nghề câu mực khơi ở xã Bình Chánh cho biết, mỗi chuyến ra khơi thường kéo dài từ  2 -  3 tháng mới vào bờ một lần, nên tàu nào cũng phải chuẩn bị nhiều nhiên liệu, lương thực, thực phẩm với tổng chi phí gần 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 42 bạn chài trên tàu, mỗi người phải mua các loại thức ăn nước uống bồi dưỡng riêng với số tiền từ 40 - 50 triệu đồng. Vì vậy, chuyến ra khơi đầu tiên này, mỗi bạn chài đều quyết tâm khai thác hải sản đạt hiệu quả.

           Những chiếc thuyền thúng của ngư dân câu mực khơi

Chủ tịch UBND xã Bình Chánh Nguyễn Văn Đạo cho biết, xã hiện có 165 chiếc tàu thuyền với tổng công suất suất gần 96.000 CV hoạt động đánh bắt hải sản. Trong đó, có 125 tàu có công suất từ  400CV đến 1.400 CV chuyên hành nghề câu mực xa bờ ở các ngư trường Hoàng sa, Trường Sa. Năm 2024 ngư dân địa phương khai thác trên 4000 tấn hải sản các loại, trong đó sản lượng mực khô chiếm hơn 95%. Tổng giá trị ước đạt khoảng trên 550 tỷ đồng/năm. Qua một năm đánh bắt, các chủ tàu có thu nhập từ 1 - 2 tỷ đồng, anh em bạn chài thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng. Nghề câu mực khơi có thu nhập cao nên không chỉ thu hút ngư dân ở xã Bình Chánh mà còn có rất nhiều ngư dân ở các xã Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Dương. Các ngư dân đã chuẩn bị đầy đủ ngư lưới cụ, lương thực, thực phẩm và bắt đầu chuyến biển đầu năm. Năm 2025, ngư dân xã Bình Chánh phấn đấu khai thác từ 4.500 - 5.000 tấn hải sản các loại.

Với khí thế chuyến biển đầu năm, những con tàu đánh bắt xa bờ ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn đang chờ đợi ngày tốt để ra khơi. Sự hiện diện của hàng nghìn chiếc thúng, hằng trăm con tàu của ngư dân Bình Chánh ở Trường Sa, Hoàng Sa mang lại ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với họ, con tàu và Trường Sa, Hoàng Sa trở thành ngôi nhà, quê hương thứ hai.                                                 


Tác giả: Bài, ảnh: Nguyên Hương

Thông tin tiện ích

Thống kê truy cập

Đang online: 34
Hôm nay: 3.360
Hôm qua: 7.021
Năm 2025: 3.179.587
Tất cả: 3.179.608