LĂNG VẠN ĐÔNG YÊN - MỘT DI TÍCH VĂN HÓA CẤP TỈNH
Cho đến ngày nay, làng chài Đông Yên không chỉ lưu giữ các giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc mà còn gắn với nhiều tín ngưỡng dân gian của cư dân vùng biển như tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na, Tứ vị Thánh Nương, Thủy Long thần nữ, Ngũ hành thượng giới, Thần Nam Hải (Cá Voi tục danh Cá Ông)… Tín ngưỡng thờ Cá Ông là một trong những tín ngưỡng quan trọng, tiêu biểu, đặc trưng và phổ biến nhất của Lăng Vạn Đông Yên. Đây là nơi hội tụ các giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật thẩm mỹ được dân làng lưu giữ qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử.
Lăng Vạn Đông Yên có tên dân gian là Vạn Cồn Mành, nằm bên tả ngạn hạ lưu sông Trà Bồng hiền hòa thơ mộng. Từ xa xưa người dân nơi đây sống chủ yếu vào nghề chài lưới trên những con thuyền buồm, thuyền câu nhỏ bé với phương tiện đánh bắt thô sơ. Vì thế mà nhiều lần ra biển, họ thường gặp sóng to gió lớn giữa đại dương mênh mông. Trong tâm thức của ngư dân, Cá Ông là Thần Nam Hải - vị phúc thần độ mạng, luôn xuất hiện, cứu giúp ngư dân vượt qua cơn hiểm nguy, bất trắc một cách kịp thời. Còn theo nghiên cứu của các nhà khoa học, Cá Voi là một loài động vật có vú, sống dưới nước, thở bằng phổi và sinh được con; thích nghi với đời sống ở các vùng biển ôn đới, hàn đới, có tập tính hay bơi theo thuyền đánh cá của ngư dân cho đến tận gần bờ mới rời thuyền bơi ngược lại ra biển khơi, nhất là khi có sóng to gió lớn. Chính tập tính cứu người, cá voi được cư dân vùng ven biển (vạn chài) tôn là phúc thần. Điều này được minh chứng thông qua các truyền thuyết, cổ tục, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng. Theo truyền thuyết của người Chăm, Cá Voi là hóa thân của thần Cha -Aih- Va hay Pô-Ri- Ak (nghĩa là thần sông biển), lênh đênh nơi đầu sóng ngọn gió, cứu độ chúng sinh. Theo quan niệm của người Việt thì Cá Voi là sự hóa thân của Phật. Còn đối với các vua nhà Nguyễn, Cá Voi là vị thần độ mạng, phò vua cứu chúa giữa biển cả bao la trên đường bôn tẩu đến nước Xiêm để tránh sự truy đuổi của nhà Tây Sơn. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Gia Long đã ban chiếu sắc phong Cá Ông là Nam Hải Đại Tướng Quân để tỏ lòng tri ân. Nối tiếp tiền nhân, các vua triều Nguyễn cũng phong tặng Cá Ông là thần biển với các mỹ hiệu: Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi linh tôn Thần, Từ Chế Chương Linh Trợ Tín Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần, Từ Tế Chương Linh Trợ Tín Trừng Trạm Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần, Từ Tế Chương Linh Trợ Tín Trừng Trạm Dực Bảo Trung Hưng thượng đẳng thần. Cùng với việc ban tặng sắc phong, các vua cho ghi tên thần Nam Hải vào từ điển, phong tặng cá Voi là bậc trung đẳng thần với danh hiệu Uông Nhuận.
Với tấm lòng biết ơn thành kính, cầu cho dân an quốc thái, bình an cho vạn chài trong những chuyến khơi xa, nhân dân đã dựng Lăng mang tên làng: Lăng Vạn Cồn Mành sau đổi tên là Lăng Vạn Đông Yên. Lúc đầu, lăng được xây dựng thô sơ. Tiếp nối các bậc tiền nhân, các ông Trần Hách, Trần Văn Nhơn, Trần Văn Nhảy, Võ Luyến, Nguyễn An, Nguyễn Lương, Trần Nghĩa đã góp công góp của trùng tu, tôn tạo kiên cố hơn theo kiến trúc nhà rường truyền thống gồm ba gian bằng gỗ lim và gỗ kiền kiền. Trước năm 1945, để tránh bom, đạn của chiến tranh, người dân tháo dỡ, chuyển về cồn Đồng Min (Đồng Thạnh) cất giấu. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, lăng được dời về lại vị trí cũ cho đến ngày nay. Người quản lý lăng, chủ Vạn đầu tiên là ông chủ Tạ, nối tiếp là những người có uy tín được ngư dân tin tưởng. Căn cứ các văn bản chữ Hán lưu tại di tích, Lăng Vạn Đông Yên được trùng tu sớm nhất vào năm 1811. Lăng Vạn Đông Yên là công trình hội tụ nghệ thuật kiến trúc đặc sắc khoảng đầu thế kỷ XIX, gắn liền với lịch sử hình thành mở đất, lập làng, tụ cư, phát triển của cộng đồng ngư dân vạn Đông Yên. Lăng là nơi thờ cúng Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần (tục gọi Cá Ông), là địa điểm hội họp, sinh hoạt cộng đồng của Vạn chài Đông Yên. Trải qua những thăng trầm lịch sử, sự tác động của thiên nhiên và con người, hệ thống kiến trúc gỗ, các di vật tiêu biểu đặc sắc (long đình, án thờ, liễn đối và đồ thờ cúng) vẫn còn nguyên vẹn. Các giá trị đặc trưng của cư dân vùng ven biển như tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông, lễ hội đặc sắc (Lễ hội nghinh cá Ông, Lễ hội cầu ngư, Lễ hội đua thuyền, hát chèo bả trạo) vẫn được duy trì, gìn giữ theo thời gian.
Từ nơi vùng quê bốn bề sông nước, Lăng Vạn Đông Yên đã góp phần vào kho tàng văn hóa dân tộc Việt. Trên mảnh đất giàu truyền thống, đã hơn hai thế kỷ đi qua nhưng các thế hệ vẫn luôn bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị tinh thần của cha ông ta thuở trước. Những tinh hoa ấy sẽ mãi mãi ngời sáng và là niềm tự hào của người dân làng chài Đông Yên hôm nay.
Hoàng Lan Quyên - 21/7/2022
* Bài viết có dựa theo Báo cáo của UBND Xã Bình Dương đọc tại buổi lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Lăng Vạn Đông Yên.
Tin ảnh: Thế Hạnh