Bình Sơn: Kết quả thực hiện 03 trụ cột chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2024
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2024, kết quả thực hiện 03 trụ cột chuyển đổi số đạt được một số kết quả cơ bản sau:
Về phát triển Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động: Hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng triển khai phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số; các cơ quan, đơn vị đã bố trí, đầu tư trang thiết bị phục vụ số hóa văn bản, hồ sơ, TTHC; bộ phận một cửa cấp huyện đã đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu thực hiện nhiệm vụ, đầu tư hệ thống máy đánh giá sự hài lòng của tổ chức và cá nhân đối với cán bộ, công chức thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính, máy tra cứu thông tin về TTHC. UBND huyện đã đầu tư trang thiết bị tường lửa để thực hiện công tác đánh giá và đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin cho 09 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. 100% cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân lãnh đạo đã sử dụng chữ ký số để xác thực văn bản điện tử. Triển khai kết nối Hệ thống thiết bị Hội nghị trực tuyến đặt tại Hội trường UBND huyện vào hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh, và đã triển khai kết nối đến các điểm cầu cấp xã. 100% cơ quan nhà nước cấp huyện và cấp xã triển khai sử dụng Phần mềm Quản lý văn bản điện tử và điều hành dùng chung theo mô hình quản lý CSDL tập trung, liên thông 04 cấp, có sử dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử. Cung cấp chứng thư số, đến nay có 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân lãnh đạo, cán bộ công chức Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã đã được cấp chứng thư số. Hoạt động của Cổng thông tin điện tử của huyện trong 6 tháng đầu năm: đã đăng tải 139 tin bài về thông tin chỉ đạo điều hành, tình hình kinh tế xã hội của huyện và địa phương; đăng tải 1.703 văn bản các loại.
Dịch vụ công trực tuyến đã triển khai thực hiện thanh toán trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực đất đai; kết quả từ đầu năm đến nay đã thực hiện thanh toán trực tuyến được hơn 4,2 tỷ đồng với 7.583 giao dịch được thực hiện. Tổng số dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình của huyện hiện có trên Cổng dịch vụ công của tỉnh là 144, cấp xã là 81. Tổng số hồ sơ tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến của các phòng, ban thuộc huyện: DVCTT một phần là 124 hồ sơ (trong đó tiếp nhận tại nơi giải quyết TTHC là 38 hồ sơ, tiếp nhận qua mạng hoặc dịch vụ bưu chính là 86 hồ sơ); DVCTT toàn trình là 726 hồ sơ (trong đó tiếp nhận tại nơi giải quyết TTHC là 02 hồ sơ, tiếp nhận qua mạng hoặc dịch vụ bưu chính là 724 hồ sơ). Kết quả số hóa hồ sơ TTHC khi tiếp nhận: 12.793 hồ sơ, hồ sơ số hoá thành phần đầy đủ là 12.657 đạt 98.94%; Số hóa kết quả giải quyết TTHC: 12.018 hồ sơ, số hoá có đính kèm kết quả là 11.306 hồ sơ đạt 94.08%). Về phát triển dữ liệu: Các cơ quan, địa phương trên địa bàn huyện sử dụng hiệu quả các Hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh để quản lý, điều hành và xử lý công việc như: Cổng thông tin điện tử và 100% cấp xã có Trang thông tin điện tử thành phần, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống phần mềm một cửa điện tử, Hệ thống thư điện tử công vụ,... Đã triển khai thực hiện chuyển đổi, làm sạch tài khoản công dân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh sang VNeID theo quy định của Chính phủ. Hướng dẫn công dân đăng ký, đăng nhập tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia bằng phương thức duy nhất là tài khoản VNeID kể từ ngày 15/6/2024.
Về phát triển kinh tế số: Để có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện trong hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đạt hiệu quả, UBND huyện thông tin về việc đăng ký kế hoạch khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử. Hiện nay trên Cổng thông tin điện tử Ocop tỉnh Quảng Ngãi, chương trình mỗi xã một sản phẩm đã có các sản phẩm của Bình Sơn như: Nước mắm Mười Quý, Nén Bình Phú, ...giúp cho người tiêu dùng nắm rõ về các thông tin của sản phẩm tạo huy tín và chất lượng khi lựa chọn sản phẩm. Triển khai một số nền tảng số phục vụ người dân và doanh nghiệp như: Nền tảng Cổng dữ liệu mở, Nền tảng trợ lý ảo lĩnh vực Thông tin và Truyền thông; Nền tảng trợ lý ảo phục vụ người dân và doanh nghiệp; Nền tảng họp trực tuyến,... Triển khai dịch vụ Viễn thông công ích để hỗ trợ cho người dân chưa có điều kiện tiếp cận được các nền tảng số trong đời sống kinh tế, xã hội, các thiết bị thông minh, chữ ký điện tử góp phần giúp cho việc chuyển đổi công dân truyền thống trở thành công dân số.
Về Phát triển xã hội số: 100% các xã, thị trấn trong toàn huyện đã được phủ sóng di động 3G/4G; mạng truyền dẫn cáp quang tới trung tâm xã đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng trên 70%; tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh trên 85,5%. Xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã với 02 địa phương là thị trấn Châu Ổ và xã Bình Trị, nhằm thiết lập kênh giao tiếp giữa địa phương và người dân: đa dạng hóa các kênh thông tin giao tiếp giữa lãnh đạo và nhân dân trên địa bàn, tăng cường sử dụng các kênh thông tin truyền thống như văn bản, đài phát thanh; tiến hành xây dựng các quy chế, quy định tiếp nhận thông tin thông qua các nền tảng ứng dụng mạng xã hội như: Zalo, Viber, Telegram, ..., phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố, công dân trên 16 tuổi có tài khoản thanh toán trực tuyến, số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân; chi trả trợ cấp cho đối tượng chính sách qua tài khoản ngân hàng; các trường học trên địa bàn triển khai các ứng dụng dịch vụ giáo dục thông minh trong việc dạy, học và quản lý giáo dục; thành lập bộ phận hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa tại trạm y tế của địa phương, hỗ trợ hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số còn mỏng, yếu, chưa chuyên sâu. Việc nắm bắt thông tin, kiến thức của người dân về các dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế. Một trong những rào cản khiến người dân khó tiếp cận dịch vụ công trực tuyến là việc sử dụng thiết bị di động thông minh còn hạn chế về kỹ năng số và chưa có thiết bị di động thông minh để kết nối, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Hệ thống thông tin của các bộ ngành triển khai hiện nay vẫn còn phát sinh nhiều lỗi, đôi lúc không đáp ứng được giao dịch giữa người dân với cơ quan chức năng; việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu số còn nhiều bất cập dẫn đến công chức tại bộ phận một cửa các cấp phải thao tác trên nhiều hệ thống khác nhau của bộ, ngành Trung ương.Tin, ảnh: Thanh Hữu - T.Huy