Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BÌNH SƠN

Khôi phục và phát triển nghề gốm Mỹ Thiện

19/03/2021 15:02    534

Ông Đặng Văn Trịnh đang vẽ cành mai cho bình gốm

Trước đây nghề gốm Mỹ Thiện, thị trấn Châu Ổ tưởng chừng như mai một; dấu tích về một làng nghề nổi tiếng chỉ sót lại những cái chum, cái chậu phía sau nhà. Thế nhưng nằm sâu trong những con ngõ nhỏ hẹp của làng gốm vẫn có những người luôn mang trong mình sự đam mê và giấc mơ khôi phục lại làng nghề truyền thống. Bằng cách này hay cách khác, trải qua nhiều giai đoạn khó khăn họ vẫn mong muốn giữ hồn gốm cổ và điều đó đang dần dần trở thành hiện thực.

 

     Ông Đặng Văn Trịnh đang vẽ cành mai cho bình gốm

 

Mới đây chúng tối có dịp đến thăm gia đình ông Đặng Văn Trịnh 58 tuổi ở thị trấn Châu Ổ. Ông  là đời thứ 5 của làng gốm Mỹ Thiện và đã có thâm niên trên 30 năm theo nghề.Ông Trịnh chia sẻ: Làng gốm Mỹ Thiện được hình thành cách đây hơn 200 năm. Nhiều nghệ nhân có tiếng của làng gốm từng được triều đình nhà Nguyễn cho mời gọi để sản xuất các đồ gốm tinh xảo trong cung phủ và làm tặng vật. Hồi đó làng gốm Mỹ Thiện có hàng chục lò chuyên sản xuất các mặt hàng gốm gia dụng. Gốm được sản xuất thủ công với kỹ thuật bàn xoay, nguyên liệu làm cốt gốm là đất sét được lọc kỹ tạp chất. Đến năm 1982, Hợp tác xã gốm Mỹ Thiện thành lập với hơn 200 xã viên, các lò gốm Mỹ Thiện hoạt động hết công suất để tạo nên sản phẩm gốm cung ứng cho thị trường miền Trung và Tây Nguyên. Mặc dù sản phẩm gốm tinh xảo, dễ sử dụng lại không độc hại nhưng không cạnh tranh lại với các mặt hàng đồ nhựa có giá thành rẻ. Vì thế chỉ 10 năm sau, Hợp tác xã gốm Mỹ Thiện giải thể, các lò gốm dần dần đóng cửa, nhiều gia đình làm gốm phải chuyển sang mưu sinh bằng nghề khác.

 

                       Bà Cúc vợ ông Trịnh đang nặn chiếc độc bình

 

Trước sự mai một của nghề gốm có lịch sử hơn 200 năm, ông Trịnh vẫn luôn bền bỉ khát vọng giữ gìn, khôi phục lại làng nghề truyền thống của cha ông. Gia đình nhiều đời làm nghề gốm nên ông quyết không để lò gốm của nhà mình tắt lửa. Ông chuyên tâm học hỏi các kỹ thuật làm gốm thủ công từ cha mình là cụ Đặng Thạnh, một nghệ nhân có tiếng của làng gốm Mỹ Thiện. Ông Trịnh như được tiếp thêm động lực khi bà Phạm Thị Thu Cúc (55 tuổi, vợ ông Trịnh) cũng xuất thân trong gia đình truyền thống làm gốm nên cùng nhau nuôi ý chí phục hồi gốm Mỹ Thiện.

                 Những chiếc độc bình vừa nặn xong

Nhờ có chung chí hướng, vợ chồng ông quyết tâm thay đổi phương thức sản xuất, sáng tạo ra nhiều mẫu mã gốm độc đáo dùng để trang trí nội thất ở khách sạn, resort như bình hoa, tượng động vật, ấm trà, ché đựng rượu, đèn trang trí v.v Rồi họ lặn lội ra Đà Nẵng, vào Phú Yên, Khánh Hòa, lên tận Gia Lai, Kon Tum... để giới thiệu, quảng bá từng sản phẩm gốm Mỹ Thiện đến người tiêu dùng. Sau nhiều năm nổ lực khôi phục tên tuổi gốm Mỹ Thiện dần được phục hồi trong làng gốm sứ Việt Nam. Ban đầu từ những đơn hàng nhỏ lẻ, càng về sau, lò gốm của vợ chồng ông Trịnh càng nhận được nhiều đơn hàng lớn từ khắp các tỉnh, thành.

             Để có một sản phẩm hoàn chỉnh độc đáo, ngoài đôi tay điêu luyện khéo léo cùng óc sáng tạo bằng việc vẽ rồng, phụng, hoa, quả, cành mai; người nghệ nhân còn có bí quyết tài hoa ở khả năng làm chủ nhiệt độ trong quá trình nung gốm. Sau khi hoàn thiện bước đầu về tạo hình, trang trí sản phẩm, trong quá trình nung phải kéo dài 3 ngày, nung từ nhiệt độ thấp đến cao, có sự điều chỉnh tăng giảm để tạo thành màu gốm như ý. Cũng theo ông Trịnh, nghề gốm được phục hồi và có sự phát triển như hiện tại là nhờ, các ngành chức năng ở tỉnh Quảng Ngãi và huyện Bình Sơn hỗ trợ kinh phí cũng như tạo điều kiện để gia đình có cơ hội bám giữ cái nghiệp có tuổi đời hàng trăm năm mà cha ông để lại. Hơn 2 năm qua tỉnh và huyện hỗ trợ hơn 300 triệu đồng cho gia đình mua sắm máy móc lọc tạp chất và nhào đất, giúp tiết kiệm được phần lớn thời gian công sức bỏ ra, tăng số lượng mặt hàng hơn so với làm theo kiểu truyền thống như trước. Đồng thời xây dựng nhà trưng bày ngay tại lò gốm để tạo điều kiện cho du khách đến tham quan, tìm hiểu về nghề gốm. Hiện tại, trong gia đình ông Trịnh, ngoài 2 vợ chồng còn có người con trai Đặng Hồng Mỹ 35 tuổi cũng theo nghề gốm được 7 năm và cô con gái út đang học lớp 11, những lúc rảnh rỗi luôn học hỏi cha mẹ về cách làm gốm.

 

 Anh Ngô Đào Giang với chiếc bình vôi hơn 100 năm

Cùng với gia đình ông Trịnh, làng gốm Mỹ Thiện còn có thêm một người nữa nối nghiệp để giữ nghề. Đó là anh Ngô Đào Giang 40 tuổi, một cán bộ công chức hiện đang công tác tại UBND thị trấn Châu Ổ rất tâm huyết với làng gốm truyền thống của quê hương. Anh Giang cho biết: Mỗi ngày, hết thời gian làm việc, anh dành hơn 3 tiếng đồng hồ cặm cụi nhào nặn đất sét, để làm ra những sản phẩm theo ý mình. Mẻ gốm đầu tiên anh làm là lồng đèn và các vật trang trí đơn giản. Đất sét thì có sẵn, còn lò và cách nung anh phải nhờ nghệ nhân Trịnh chỉ bảo thêm. Sau mấy ngày, sản phẩm ra lò, tất cả đều thành công.

Các sản phẩm gốm Mỹ Thiện được anh Giang trưng bày tại gia đình

Từ những mẻ gốm làm được sau 10 năm theo nghề , anh đều giữ lại trang trí khắp các gian nhà và ở quán cà phê của gia đình.Để nhiều người biết đến gốm Mỹ Thiện anh  mang sản phẩm của mình ra Bắc, vào Nam để trao đổi, quảng bá; đồng thời rong ruổi tìm đến các làng gốm có tiếng trong nước  như Bát Tràng (Hà Nội), Phước Tích (Huế), Thanh Hà (Hội An), Bàu Trúc (Ninh Thuận) để học hỏi kinh nghiệm. Đam mê với nghề, những lúc rảnh rỗi anh luôn tạo ra những sản phẩm gốm bằng cả tâm huyết của mình, với mong muốn làng gốm cổ Mỹ Thiện sẽ được hồi sinh. Những tâm huyết của ông Trịnh, anh Giang đã thổi bùng lại ngọn lửa lò gốm cổ vốn đã nguội tắt cách đây hàng chục năm. Tuy nhiên để nghề gốm Mỹ Thiện không bị thất truyền và phát triển hưng thịnh như xưa, rất cần có sự chung tay, góp sức của các cấp ngành hơn nữa, để làng nghề truyền thống không bị mai một và được lưu truyền cho thế hệ mai sau./.

Bài, ảnh: Nguyên Hương

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1756

Tổng số lượt xem: 8071858

Cổng thông tin điện tử huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Trưởng Ban biên tập: Phạm Quang Sự - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn

Điện thoại: 0255.3851261; Email: binhson@quangngai.gov.vn;

Địa chỉ: Số 395 đường Phạm Văn Đồng - TDP 4 thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

ipv6 ready