Skip to Content

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BÌNH SƠN

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Bình Sơn sau hơn 10 năm thực hiện nghị quyết về “tam nông” của trung ương

19/08/2021 09:43    181

Lễ đón nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội Nghị Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đề ra mục tiêu "Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Ðảng được tăng cường”. Sau hơn 10 năm thực hiện chính sách “Tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) của Trung ương bộ mặt nông nghiệp, nông thôn huyện Bình Sơn có nhiều thay đổi đáng kể, xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn... Có thể kể đến một số kết quả cụ thể như:

Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng qua các năm, năm 2020 đạt 2.800,20 tỷ đồng, tăng 4,38 lần so với năm 2008. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp liên tục tăng qua các giai đoạn: Giai đoạn 2008-2010: 6,03%; giai đoạn 2011-2015: 6,92%; giai đoạn 2016-2020: 7,14%. Tổng sản lượng lương thực năm 2020 đạt 66.013 tấn, chiếm tỷ lệ 122,40% so với năm 2008. Thực hiện chuyển đổi 3.437,49 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau màu cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Thực hiện dồn điền, đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp được 2.051/2.174 ha, đạt 94,34% kế hoạch, với tổng kinh phí trên 45,364 tỷ đồng.

Triển khai thực hiện 104 dự án, mô hình được hỗ trợ từ chương trình khuyến nông quốc gia, khuyến nông tỉnh, khuyến nông huyện và Dự án cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2014-2018. Một số chương trình, mô hình có hiệu quả và được nhân rộng như: Nuôi Heo sinh sản hướng nạc; sản xuất nấm Rơm; trồng thâm canh cây thanh long ruột đỏ; trồng keo nuôi cấy mô; chuyển đổi cây trồng (cây lạc) trên đất lúa thiếu nước tưới vụ hè thu; nuôi gà thịt trên đệm lót sinh học; dự án cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt tỉnh Quảng Ngãi; dự án thử nghiệm mô hình nuôi và chế biến sản phẩm vi Tảo Xoắn Spirulina; mô hình nuôi ghép tôm, cua, cá nước lợ và mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh…

Dự án nuôi và phát triển sản phẩm vi tảo xoắn Spirulin đạt giải quán quân Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quảng Ngãi 2020

Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô trang trại, hiện nay toàn huyện có 57 trang trại chăn nuôi với diện tích 47,31 ha; giá trị vốn đầu tư và vốn sản xuất kinh doanh bình quân 958 triệu đồng/01 trang trại và đều có liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp; triển khai chăn nuôi một số vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: Dê, vịt siêu trứng, vịt siêu thị, heo rừng lai... Mối liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, thu mua, chế biến sản phẩm trồng trọt, chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP được quan tâm; một số sản phẩm nông nghiệp được xây dựng nhãn hiệu tập thể, mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc như: Cây hành tím xã Bình Hải, cây nén xã Bình Tân Phú, nước mắm Bình Đông, nghệ Vàng Bình Châu, dưa hấu xã Bình Thanh, cây kiệu xã Bình Long, dầu phụng Vạn Tường xã Bình Hải, ớt xã Bình Dương...

 Lâm nghiệp chuyển từ trồng cây lấy gỗ để chế biến đồ gia dụng, sinh hoạt sang trồng cây lấy gỗ chế biến dăm để xuất khẩu; tỷ lệ độ che phủ rừng 35,09%, tăng cao so với năm 2008 là 22,1%. Sản lượng nuôi trồng thủy sản (tôm, cá và một số đối tượng khác) năm 2020 là 1.096,95 tấn, tăng 29,30% so với năm 2016 là 848 tấn và tăng 56,70% so với mục tiêu của Kế hoạch về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển huyện Bình Sơn giai đoạn 2016-2020 (700 tấn). Công nghiệp chế biến, ngành nghề nông thôn phát triển mạnh với 646 cơ sở chế biến nông, lâm thủy sản; quan tâm khôi phục, khuyến khích phát triển các ngành nghề truyền thống trong điều kiện mới, vừa khôi phục để phát huy giá trị các sản phẩm truyền thống vốn có của địa phương, vừa thúc đẩy mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Kết cấu hạ tầng nông thôn và đô thị hóa được quan tâm đầu tư gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; từng bước đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới giai đoạn từ năm 2011-2020 là 2.413,2425 tỷ đồng; trong đó: Tổng vốn lồng ghép các chương trình dự án khác, huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, nhân dân: 1.561,7955 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 64,72%). Ngoài ra, Nhân dân tự nguyện hiến trên 64.336 m2 đất và đóng góp trên 28.403 ngày công lao động để cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, cứng hóa đạt tỷ lệ 92,67%; đường trục thôn, xóm được cứng hoá đạt tỷ lệ 79,57%; đường ngõ, xóm được cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa đạt tỷ lệ 66,92%; đường trục chính nội đồng được đầu tư cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện đạt tỷ lệ 40,91% so với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đầu tư nâng cấp nhiều công trình thủy lợi, kiên cố hóa 200,505 km kênh mương nội đồng.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn được cải thiện một cách tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 20,53% (năm 2008) xuống còn trên 4,57% (năm 2020). Có trên 7.477 lao động được giải quyết việc làm và trên 5.876 lao động nông thôn được đào tạo nghề. Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo năm 2020 đạt 46%, tăng 36,24% so với năm 2008 (9,76%). 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; phổ cập giáo dục mầm non, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Cơ sở vật chất trường học cũng được đầu tư xây dựng, đã tạo ra diện mạo mới cho vùng nông thôn của huyện, đặc biệt ở các xã đặc biệt khó khăn. Đến nay, có 45/67 trường đạt chuẩn quốc gia (07/22 trường mầm non chiếm tỷ lệ 31,81%, 18/22 trường tiểu học chiếm tỷ lệ 81,81%, 20/23 trường THCS chiếm tỷ lệ 86,95%). Năm 2020, toàn huyện có 48.206/51.190 hộ đạt tiêu chuẩn ‘‘gia đình văn hóa’’ chiếm tỷ lệ 92,3%; có 112/126 thôn, tổ dân phố đạt chuẩn thôn văn hóa chiếm tỷ lệ 88,89% (tăng 30,56% so với năm 2008), 100% số thôn xây dựng hương ước; 22/22 trạm y tế xã, thị trấn có bác sỹ; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày càng tăng, đạt tỷ lệ 97%. Ý thức bảo vệ môi trường và công tác vệ sinh môi trường của người dân nông thôn có sự chuyển biến tích cực; tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng lên đáng kể, đạt tỷ lệ 98%; có 21/22 xã, thị trấn tổ chức thu gom rác thải. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố và tăng cường, công tác cán bộ được quan tâm, từng bước được trẻ hóa, chuẩn hóa. Các tổ chức trong hệ thống chính trị được giữ vững và từng bước đổi mới về phương thức hoạt động; 21/21 xã có đầy đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định. Tỷ lệ đảng bộ xã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm chiếm tỷ lệ từ 81,81% trở lên; tổ chức chính trị - xã hội được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt tỷ lệ trên 95%. Tình hình an ninh trật tự xã hội nông thôn cơ bản ổn định, không xảy ra vụ việc gây mất an ninh trật tự lớn; chỉ đạo xây dựng và nhân rộng 32 mô hình phòng, chống tội phạm, tại 89 khu dân cư; các phong trào, mô hình bảo vệ an ninh, trật tự nông thôn tiếp tục được củng cố, nhân rộng.

Nhiều cơ chế, chính sách được đổi mới để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mới giai đoạn 2008-2020 là 1.013,784 tỷ đồng, chiếm 12,29% so với tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Trong đó, đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp là 162,337 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 16,013% so với tổng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; đầu tư cho phát triển nông thôn mới là 851,447 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 83,987% so với tổng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, việc huy động các nguồn lực khác tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp cũng đem lại nhiều kết quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Đặc biệt, khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo ra một bước đột phá, góp phần đổi mới nhanh chóng diện mạo vùng nông thôn, được nhân dân trong huyện nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay toàn huyện có 21/21 xã đạt chuẩn tiêu chí số 4 về điện; 18/21 xã đạt chuẩn tiêu chí số 5 về trường học; 19/21 xã đạt chuẩn tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 21/21 xã đạt tiêu chí số 14 về Giáo dục và đào tạo; 21/21 xã đạt tiêu chí số 15 về y tế; 20/21 xã đạt chuẩn tiêu chí số 16 về văn hóa; 18/21 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường; 19/21 xã đạt tiêu chí số 18 về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; 21/21 xã đạt tiêu chí số 19 về quốc phòng và an ninh theo Bộ tiêu chí nông thôn mới; 20/21 xã đạt xã chuẩn văn hóa nông thôn mới. Có 16/21 xã chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 76,19%, tăng 72,02% so với năm 2015; có 10 khu dân cư nông thôn kiểu mẫu đạt 10 tiêu chí; số lượng tiêu chí bình quân là 17,85 tiêu chí/xã, tăng bình quân 6,07 tiêu chí/xã so với năm 2016. Sự đổi thay rõ nét nhất ở nông thôn là hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng, nhất là mạng lưới giao thông nông thôn, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã đã được nhựa hóa, người dân các địa phương trong huyện tích cực hiến đất, góp công, góp của làm đường giao thông nông thôn. Tại nhiều tuyến đường, người dân trồng cây xanh, trồng hoa dọc hai bên, tạo cảnh quan thông thoáng, xanh - sạch - đẹp.

Có thể nói, từ chính sách phát triển “tam nông” cùng các nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn huyện Bình Sơn ngày càng thay da đổi thịt, nông nghiệp phát huy lợi thế; chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn từng bước được nâng lên.

Trong thời gian đến, huyện Bình Sơn tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 để phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII đề ra: “Sớm đưa huyện đạt chuẩn nông thôn mới”. Trước mắt, trong năm 2021, phấn đấu xây dựng 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch gồm: Bình Chánh, Bình Thuận và Bình Hải và xây dựng 03 khu dân cư nông thôn kiểu mẫu tại 03 xã: Bình Dương, Bình Nguyên và Bình Khương.

Đối với nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân và nông thôn của trung ương, huyện xác định một số mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đó là: Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp từ 1-2%/năm. Cơ cấu ngành kinh tế đến năm 2025: Nông lâm thủy sản: 11-12%; công nghiệp – xây dựng: 37-38%; dịch vụ 52-53%. Sản lượng lương thực đạt trên 75.000 tấn/năm. Giá trị sản xuất bình quân đạt trên 70 triệu đồng/01ha canh tác/năm. Độ che phủ rừng đến năm 2025 đạt 35-37%. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản đạt trên 39.000 tấn/năm. Đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo là dưới 5% (theo chuẩn mới). Giải quyết việc làm cho 7.000 - 7.500 lao động/05 năm 2020-2025. Đến năm 2025: có 55/71 trường đạt chuẩn quốc gia (cấp mầm non: 12/22 trường; cấp Tiểu học: 19/22 trường; Trung học cơ sở: 21/23 trường; Trung học phổ thông: 03/04 trường.

Bài ảnh: Thanh Nga

Visitor Statistic

Currently Online: 1357

Total Visit: 8147696

Cổng thông tin điện tử huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Trưởng Ban biên tập: Phạm Quang Sự - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn

Điện thoại: 0255.3851261; Email: binhson@quangngai.gov.vn;

Địa chỉ: Số 395 đường Phạm Văn Đồng - TDP 4 thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

ipv6 ready