Skip to Content

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BÌNH SƠN

Phát triển dịch vụ, du lịch – Đôi điều ghi nhận

28/07/2021 07:46    213

Trong giai đoạn 2016-2020, với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ phát triển dịch vụ, du lịch trên địa bàn huyện có nhiều khởi sắc. Tổng giá trị sản xuất dịch vụ tăng mạnh (năm 2020 ước đạt 8.740 tỷ đồng, tăng 86,63% so với năm 2015). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu thương mại – dịch vụ trong giai đoạn đạt 34.649 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân 13,29%. Cơ cấu ngành dịch vụ chuyển dịch theo hướng tích cực, chiếm tỷ trọng 50,1%. Toàn huyện hiện có 51 cơ sở lưu trú, trong đó có 10 khách sạn, với tổng số 782 phòng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Công tác phát triển các ngành dịch vụ đạt nhiều kết quả, trong đó ưu tiên dịch vụ có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao, bảo đảm các dịch vụ cơ bản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Kết cấu hạ tầng, giao thông đường bộ được quan tâm đầu tư phục vụ cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và của Nhân dân, du khách và các dịch vụ khác. Có 90,87/91,70 km đường huyện hiện trạng được nhựa hóa, bê tông hóa, đạt tỷ lệ 99,09%; 220,72/245,55 km đường xã được nhựa hóa, bê tông hóa, đạt tỷ lệ 89,89%; 158,79/201,91 km đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 78,65%. Dịch vụ vận tải hành khách phát triển nhanh; đến nay, toàn huyện có 580 xe tải thùng và tải ben, 90 xe vận chuyển hành khách, 110 xe con, 42 xe chuyên dùng; trong giai đoạn 2016-2020, doanh thu của các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải công cộng (xe buýt, taxi) khoảng 58,4 tỷ đồng, khối lượng vận chuyển của các đơn vị vận tải hành khách đạt khoảng 276.000 lượt người với doanh thu khoảng 69,2 tỷ đồng, khối lượng vận chuyển của các đơn vị vận tải hàng hóa đạt khoảng 519.400 tấn với doanh thu khoảng 225,8 tỷ đồng. Lượng du khách qua Cảng Sa Kỳ đi huyện đảo Lý Sơn tăng cao trong những năm gần đây. Dịch vụ thông tin – truyền thông phát triển mạnh, toàn huyện có 206 trạm thông tin di động BTS (trong đó có 03 trạm Viba), tăng 44 trạm so với giai đoạn 2011-2015, có 23 điểm Bưu điện Văn hóa xã; 01 bưu cục cấp 2, 01 bưu cục cấp 3; số tuyến đường thư 28/chiều dài 450 km đến 22 xã, thị trấn; 100% xã, thị trấn có thùng thư công cộng, báo, điện thoại, internet, ngoài ra còn có các dịch vụ chuyển phát, bưu kiện, chuyển tiền,… Toàn huyện có 1.247 số thuê bao cố định có dây; 514 thuê bao cố định không dây; 136.407 thuê bao di động trả trước; 22.706 thuê bao di động trả sau; 26.951 thuê bao internet đang hoạt động; 16.027 thuê bao truyền hình. Mạng lưới y tế từ tuyến huyện đến xã được củng cố, đầu tư, nâng cấp và phát triển. Trung tâm Y tế huyện và 22/22 trạm Y tế được đầu tư ngày càng khang trang, hiện đại; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Xã hội hóa y tế phát triển mạnh với 164 cửa hàng dược, 19 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Chất lượng các dịch vụ y tế từng bước được cải thiện; áp dụng các công nghệ kỹ thuật y học hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Mô hình bệnh viện xanh, sạch, đẹp được duy trì; thực hiện tốt các nội dung “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế tiến đến sự hài lòng của người bệnh”. Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên; cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư. Tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn ở các cấp học ngày càng tăng. Công tác phổ cập giáo dục đạt được những kết quả tích cực, 22/22 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. Phong trào khuyến học, khuyến tài ngày càng phát triển; 22/22 xã, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học. Toàn huyện có 45/67 trường đạt chuẩn quốc gia (7/22 trường Mầm non, mẫu giáo; 18/22 trường Tiểu học; 20/23 trường THCS). Công tác giải quyết việc làm cho người lao động được quan tâm; trong giai đoạn 2016-2020 đã giải quyết việc làm cho 9.937 người. Quan tâm thu hút đầu tư trên địa bàn huyện; đến nay, đã thu hút 12 dự án được các nhà đầu tư đề xuất UBND tỉnh thực hiện trên địa bàn huyện (không tính Khu Kinh tế Dung Quất), với tổng kinh phí 2.075 tỷ đồng. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh, thời gian giải quyết thủ tục hành chính từng bước được rút ngắn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân cũng như hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từng bước được cải thiện. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 750 doanh nghiệp và 3.879 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động (tổng số hộ kinh doanh mới được thành lập trong giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 1.655 hộ, với tổng vốn đăng ký 386 tỷ đồng), nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh phát triển tốt, mở rộng ngành nghề và thu hút nhiều lao động vào làm việc. Các loại hình dịch tài chính, ngân hàng và bảo hiểm trên địa bàn huyện (11 chi nhánh của các ngân hàng và đơn vị tín dụng khác, 03 chi nhánh ngân hàng hoạt động trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất; 03 chi nhánh bảo hiểm) đang hoạt động hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính, tín dụng và dịch vụ bảo hiểm trên địa bàn. Cơ sở thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao và dịch vụ trong lĩnh vực này phát triển mạnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần và rèn luyện thể chất của Nhân dân. Trên địa bàn huyện hiện có 04 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 14 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, 11 di tích UBND tỉnh ra quyết định bảo vệ được quan tâm, bảo tồn. Các loại hình vui chơi, giải trí phát triển mạnh. Hoạt động du lịch có bước chuyển biến đáng kể; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, đầu tư và khai thác tại khu du lịch Gành Yến, Bàu Cá Cái, đã thu hút được nhiều lượt khách đến tham quan du lịch; thực hiện khôi phục lại văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cor, thôn Thọ An, xã Bình An để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc… Công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về môi trường được tăng cường, ô nhiễm môi trường từng bước được cải thiện; quan tâm đến việc cải thiện chất lượng môi trường sống, dịch vụ cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường cho người dân. Tỷ lệ chất thải rắn đô thị được xử lý hợp vệ sinh đạt 100%. Trong giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ xã, thị trấn được thu gom rác thải đạt 88%; thu gom chất thải rắn trên địa bàn huyện đạt 73%; tỷ lệ chất thải rắn công nghiệp được xử lý đạt 85%. Các loại hình dịch vụ nông nghiệp phát triển mạnh, nhất là đối với dịch vụ thu hoạch lúa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp (có 120 máy gặt đập liên hợp, tăng 102 máy so với giai đoạn 2011-2015), dịch vụ làm đất (có 485 máy làm đất tăng 184 máy so với giai đoạn 2011-2015); dịch vụ kinh doanh thức ăn, thuốc thú y (25 cơ sở, tăng 12 cơ sở so với giai đoạn 2011-2015); dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm (có 85 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, tăng 18 cơ sở so với giai đoạn 2011-2015); dịch vụ chế biến lương thực (có 441 máy xay xát, tăng 241 máy so với giai đoạn 2011-2015) để phân loại, đánh bóng lương thực phục vụ cho nhu cầu của người dân và phục vụ cho chăn nuôi; dịch vụ giống cây lâm nghiệp (có khoảng 115 vườn ơm giống cây lâm nghiệp với số lượng cây giống ước đạt trên 15 triệu cây giống/năm); dịch vụ chế biến gỗ dăm xuất khẩu (có 20 cơ sở chế biến gỗ dăm xuất khẩu, với tổng sản lượng 675.000 tấn/năm); dịch vụ mộc dân dụng (có 76 cơ sở chế biến mộc dân dụng).

Chú trọng khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, thế mạnh đặc trưng các vùng miền để đẩy mạnh phát triển du lịch. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch cộng đồng tại Gành Yến, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, nơi có thiên nhiên độc đáo, có giá trị về địa chất núi lửa và tiềm năng phát triển du lịch sinh thái phục vụ khách tham quan. Đầu tư kinh phí phục dựng Đình Thọ An, xã Bình An nhằm khôi phục, phát huy giá trị di tích lịch sử; xây dựng nhà sàn (Nhà Dài) sử dụng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Cor; phục dựng Lễ rước hồn mẹ lúa; khôi phục các loại hình dân ca, dân vũ của đồng bào; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thu hút sự tham gia của đông đảo khách tham quan. Khai thác, phát triển du lịch cộng đồng dựa vào hệ sinh thái tại Bàu Cá Cái, xã Bình Thuận gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước trên địa bàn, hướng tới phát triển du lịch bền vững. Hỗ trợ xây dựng khu trưng bày sản phẩm và nguyên vật liệu để du khách sản xuất thử (hỗ trợ nguyên vật liệu giai đoạn đầu để du khách trải nghiệm) kết hợp với nhà sưu tầm Gốm Mỹ Thiện qua các thời kỳ. Khai thác và bảo tồn nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật dân ca, dân vũ như: hát dân ca khu V, hát ống, hát giao duyên, hát bả trạo, múa gươm…; định kỳ tổ chức các lễ hội truyền thống, dân gian mang đậm dấu ấn địa phương như: Lễ hội cầu ngư và giỗ thần Nam Hải, Lễ hội đua thuyền truyền thống; Lễ cúng Âm linh tự; Lễ rước hồn mẹ lúa (Tết ngã rạ ở Thọ An xã Bình An) và Hội làng văn hóa. Quan tâm bố trí kinh phí đầu tư để xây dựng, nâng cấp sửa chữa các điểm di tích lịch sử.

Chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp; khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân để đẩy mạnh phát triển du lịch. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 51 cơ sở lưu trú, trong đó có 10 khách sạn, 41 nhà nghỉ, với tổng số 1013 phòng cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách. Hệ thống chợ, cửa hàng xăng dầu được đầu tư, phát triển đúng quy hoạch, cơ sở vật chất ngày càng được đầu tư trang trọng, hiện đại, đáp ứng nhu cầu mua bán, tiêu dùng của Nhân dân. Quy hoạch và kêu gọi đầu tư 02 điểm bán hàng cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.

Có thể nói, trong 05 năm qua, ngành dịch vụ của huyện có bước tăng trưởng khá, một số dịch vụ phát triển đa dạng, nhiều loại hình dịch vụ mới hình thành, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng; giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật để phát triển dịch vụ đã được quan tâm đầu tư xây dựng; các chỉ tiêu về dịch vụ y tế, giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch; đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện, vấn đề môi trường các dự án ngày càng được quan tâm, kiểm tra đánh giá chặt chẽ hơn. Công tác khuyến khích, hỗ trợ và tôn vinh giá trị các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của địa phương được kịp thời; dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa phát triển mạnh và đa dạng về hình thức, với nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác; các kho bãi, cảng biển được đầu tư, nâng cấp, dịch vụ logistics được hình thành, phát triển. Mạng lưới bưu chính viễn thông, đặc biệt là việc phát triển mạng cáp, xây dựng các trạm BTS, thuê bao di động, internet từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, bảo vệ môi trường; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đặc trưng trên địa bàn huyện. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống chợ; trách nhiệm quản lý của các đơn vị quản lý kinh doanh khai thác chợ được nâng cao, từng bước đưa hoạt động chợ đi vào nề nếp, ổn định; công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện, góp phần nâng cao kiến thức của các hộ tiểu thương về an toàn thực phẩm; ý thức trách nhiệm trong kinh doanh và việc thực hiện không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày càng thực hiện tốt hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới trong phát triển dịch vụ, du lịch đó là: Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, quan tâm phát triển bền vững một số loại hình dịch vụ; nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ y tế, giáo dục, vận tải, môi trường. Quan tâm hơn nữa công tác xã hội hóa phát triển dịch vụ, du lịch, nhất là các dịch vụ hỗ trợ phát triển du lịch như khu vui chơi, giải trí, khu mua sắm…; đầu tư hạ tầng thương mại nông thôn (chợ nông thôn), dịch vụ công cộng, tiện ích và hạ tầng kỹ thuật tại cụm công nghiệp; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá, gắn phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá với khai thác phát triển du lịch. Triển khai thực hiện quy hoạch và hình thành các điểm du lịch, khu du lịch, dịch vụ…

Bài ảnh: Thanh Nga

Visitor Statistic

Currently Online: 1456

Total Visit: 8147484

Cổng thông tin điện tử huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Trưởng Ban biên tập: Phạm Quang Sự - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn

Điện thoại: 0255.3851261; Email: binhson@quangngai.gov.vn;

Địa chỉ: Số 395 đường Phạm Văn Đồng - TDP 4 thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

ipv6 ready