Skip to Content

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BÌNH SƠN

Đại đoàn kết dân tộc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

01/09/2021 14:13    386

Đội ngũ Y, Bác sĩ Trung tâm y tế huyện Bình Sơn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc (Trích bài đăng trên Tạp chí Tuyên giáo “Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc”, ngày 27/3/2020) Xuyên suốt tiến trình lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đại đoàn kết dân tộc là cội nguồn sức mạnh và nguyên nhân hàng đầu cho mọi thắng lợi. Kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc, quá trình tìm đường cứu nước đã dần hình thành nê tư tưởng Hồ Chí Minh, một hệ thống những quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Trong đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là nội dung cốt lõi, là vấn đề có ý nghĩa chiến lược cơ bản, nhất quán và xuyên suốt. Theo Người, đại đoàn kết là sức mạnh, là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công”.

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành di sản vô giá, truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Tiếp tục phát huy truyền thống quý báu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”. Vì thế, 8 chữ “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc” là mục đích của Đảng và Đảng thực hiện “đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc”, “đoàn kết để xây dựng nước nhà”, cho nên phải “đoàn kết rộng rãi và lâu dài”, “đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ, đồng thời phải củng cố” và “ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.

Khát vọng dân tộc được độc lập, tự do và thống nhất, nhân dân được sống ấm no, hạnh phúc là mẫu số chung, là điểm gốc để quy tụ tất cả mọi người dân Việt Nam vào khối đại đoàn kết dân tộc. Vì thế, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong một mặt trận thống nhất chính là để tập hợp và lãnh đạo quần chúng nhân dân thành một khối thống nhất về ý chí và hành động, tạo nên sức mạnh trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong khối đại đoàn kết đó, Đảng là một thành viên của Mặt trận, đồng thời là lực lượng lãnh đạo, cho nên “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”. Đồng thời, Đảng không chỉ xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc mà còn phải biến nguồn sức mạnh được tổ chức thành một khối vững chắc và hoạt động theo đường lối chính trị đúng đắn đó thành lực lượng vật chất, sức mạnh vật chất. Theo Người, “trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết với các tầng lớp nhân dân lao động khác”.

Bài học về tinh thần đoàn kết từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn luôn là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc Việt Nam đến ngày hôm nay, khi cả nước đang đồng lòng quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19 (Trích bài viết “Bài học về lòng yêu nước và đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám với công cuộc chống đại dịch COVID-19 hiện nay” đăng trên Tạp chí Tuyên giáo, ngày 31/8/2021).

Lịch sử nhân loại từng chứng kiến những trận dịch lớn, nhưng có lẽ chưa bao giờ phải đối mặt với đại dịch như dịch COVID-19 hiện nay. Khẩu hiệu xuyên suốt của chúng ta hiện nay là “chống dịch như chống giặc!”. Chống dịch phải quán triệt phương châm “phòng bệnh đi đôi với chữa bệnh, trong đó phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Phòng bệnh chủ yếu là vaccine và thông điệp 5K.

Dịch COVID-19 không phân biệt nước phát triển, đang phát triển hay kém phát triển; nước giàu nước nghèo; không phân biệt màu da, tiếng nói, chủng tộc, tôn giáo, nó có mặt ở hầu khắp toàn cầu, mang tính quốc tế sâu, rộng.

Cách mạng Tháng Tám, toàn dân ta đoàn kết chống đế quốc chủ nghĩa - hơn Việt Nam về phương thức sản xuất. Đây là cuộc chiến chưa có tiền lệ, nhưng chúng ta đã chiến thắng. Nay chống dịch COVID-19 cũng chưa có tiền lệ, đất nước ta tin tưởng sẽ chiến thắng. Các nước đế quốc chủ nghĩa, xâm lược Việt Nam trước đây hay COVID-19 hiện nay đều được coi là giặc. Mà muốn chống giặc thì phải phát huy cao độ lòng yêu nước và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Những biểu hiện, việc làm cụ thể rất khác nhau nhưng bản chất của yêu nước và đoàn kết là không hề thay đổi.

Thanh niên tình nguyện phục vụ tại Khu cách ly Trung tâm y tế cơ sở 2

Thời gian qua, Đảng và Chính phủ nhấn mạnh phải đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết; đồng thời xác định chống dịch là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần. Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng, sáng kiến góp tài năng, sáng kiến. Người ra tuyến đầu, người ở trong nhà theo cách hiểu “hậu phương”. Tất cả đoàn kết lại đẩy lùi giặc COVID-19 để đưa đất nước và cuộc sống của nhân dân trở lại trạng thái bình thường mới.

Hiện nay dưới sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư với quyết tâm cao của người đứng đầu, cả hệ thống chính trị vào cuộc, toàn dân chung sức đồng lòng. Rất nhiều lực lượng hình thành các tổ chức chống dịch như đội ngũ y bác sĩ, công an, bộ đội, sinh viên ngành Y, nhiều tỉnh tổ chức các lực lượng lên tuyến đầu, tất cả vì miền Nam ruột thịt, tâm điểm là thành phố Hồ Chí Minh trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư này.

Cùng với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, hiện nay Đảng và Chính phủ đặc biệt chú trọng phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết và sự ủng hộ của quốc tế. Vấn đề có tính quyết định thắng lợi trong cuộc chiến chống COVID-19 vẫn là vaccine. Đảng và Chính phủ thời gian qua đã làm rất tốt chính sách “ngoại giao vaccine”. Cùng với lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của đội ngũ khoa học ngành y dược trong sản xuất vaccine  “Made in Việt Nam”, sự giúp đỡ, ủng hộ của bè bạn quốc tế là vô cùng quý báu.

Thật xúc động biết bao, trong giai đoạn  cam go nhất của cuộc chiến chống dịch, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ra lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Lời kêu gọi nhấn mạnh: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; chúng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; chúng ta đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa”. Lời kêu gọi được phát đi đúng thời điểm, đi vào trái tim của mỗi một đồng bào Việt Nam yêu nước.

Các tổ chức thăm tặng quà Khu cách ly

Việt Nam vừa chống dịch vừa rút kinh nghiệm, xuất phát, bám sát thực tế với rất nhiều cách làm năng động, sáng tạo thể hiện tinh thần tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”. Thật sự cảm động với những “siêu thị 0 đồng”, “suất cơm nghĩa tình”, rau củ quả của đồng bào dân tộc ít người - dù còn vô cùng khó khăn, thiếu thốn - vẫn dành cho Nhân dân vùng dịch. Hàng trăm tổ chức từ thiện đi khắp các ngõ ngách, khu phố ở thành phố Hồ Chí Minh cung cấp hàng hóa thiết yếu cho dân. Những đoàn xe, đoàn tàu, chuyến bay từ các tỉnh ở miền Bắc, đem theo vật dụng y tế, vaccine kịp thời chi viện cho đồng bào miền Nam.

Các địa phương ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19

Riêng trên địa bàn huyện Bình Sơn, tình hình dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp với nhiều ổ dịch trong cộng đồng được phát hiện. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hệ thống chính trị huyện nhà đang quyết liệt triển khai mọi biện pháp, tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch nhằm sớm kiểm soát tình hình, đẩy lùi dịch Covid-19, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho Nhân dân, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đại đa số Nhân dân trên địa bàn huyện đều thể hiện sự đoàn kết, đồng thuận với sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, bà con nhân dân trong huyện tích cực ủng hộ kinh phí, hàng hóa, nhu yếu phẩm ủng hộ người dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện. Đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong huyện đã tiếp nhận 703.195.000 đồng tiền mặt và trên 190 tấn hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm trị giá 3.563.301.000 đồng chuyển đến người dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Các tổ chức chính trị - xã hội huyện vận động đoàn viên, hội viên hỗ trợ hàng hóa, nhu yếu phẩm, thực phẩm tươi sống, rau, củ quả các loại… hỗ trợ khu cách ly tập trung, khu vực phong tỏa trong huyện và chuyển đến Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn,…  góp phần chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT - Chi nhánh huyện Bình Sơn hỗ trợ kinh phí phòng, chống Covid-19

Có thể thấy lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của dân tộc được phát huy cao độ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay. Chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành năng động, sáng tạo của Chính phủ, cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng sự chung sức đồng lòng muôn người như một của cả dân tộc và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, trận chiến “chống dịch như chống giặc” nhất định sẽ thắng lợi trong thời gian không xa.

Bài: Thanh Nga

Visitor Statistic

Currently Online: 780

Total Visit: 7843188

Cổng thông tin điện tử huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Trưởng Ban biên tập: Phạm Quang Sự - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn

Điện thoại: 0255.3851261; Email: binhson@quangngai.gov.vn;

Địa chỉ: Số 395 đường Phạm Văn Đồng - TDP 4 thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

ipv6 ready