Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BÌNH SƠN

Cần gìn giữ nghề đan tre truyền thống

03/02/2021 15:55    310

Ông Bùi Tự vót nan

Những năm về trước đồ nhôm, đồ nhựa chưa chiếm ưu thế như bây giờ, thì nghề đan lát các đồ dùng thường ngày khá phổ biến. Đan ít hay nhiều, đẹp hay xấu thì đa số người dân ai cũng biết đan lát một vài vật dụng cần thiết như: mủng, rỗ, nong, nia, lồng nhốt gà, vịt… để sử dụng. Bây giờ, dạo quanh các xóm làng quê tìm kiếm một người biết đan lát không còn mấy ai và họ như là của hiếm. Đi lang thang quanh các thôn Phú Lễ 1, Phú Lễ 2 của xã Bình Trung tìm hỏi có còn ai giữ được cái nghề, thì đa số nhận được câu trả lời “Có đấy nhưng họ đã về với ông bà rồi, hoặc tuổi đã quá cao không còn đan nữa”.

Tôi đành lặn lội đến thôn Tân Phước, xã Bình Minh để dò hỏi; ông Phạm Quang Sơn, Chủ tịch Hội người cao tuổi của xã cho biết; hiện nay địa phương có một số người còn giữ gìn nghề này, nhưng đều ở độ 70 đến 80 tuổi. Chính còn một số người biết đan lát, nên hằng năm vào dịp kỷ niệm người cao tuổi thì Hội Người cao tuổi xã đứng ra tổ chức hội chợ hàng mây, tre đan. Đây là dịp để người đan tre trổ tài, đồng thời, mục tiêu quan trọng hơn là giữ gìn nghề đan lát truyền thống của địa phương. Một điều khá thú vị là cứ mỗi lần hội chợ như thế, dù đẹp xấu thế nào thì mủng, rổ, nong, nia…đem đến hội chợ là bán hết cái vèo.

Ông Bùi Tự ở thôn Tân Phước, xã Bình Minh sinh năm 1934, tức năm 2021 này ông bước sang tuổi 87, là một trong số ít người còn giữ nghề cho biết; ông có thể đan đát được rất nhiều vật dụng cần thiết trong đời sống hằng ngày mà vật liệu là cây tre. Trước đây nghề đan còn kiếm được đồng tiền chợ, nhưng bây giờ thì họa may lắm thì mới có người đến đặt hàng; bởi đa số đồ nhựa đã thay thế hàng tre đan. Tuy nhiên thì hiện một số vật dụng như nong phơi, mủng, rổ, sàng lúa gạo vv…. thì đồ nhựa chưa thể thay thế hoàn toàn được nên ông cố giữ nghề để hỗ trợ bà con. Một số người quanh vùng tìm đến ông để học hỏi và ông cũng đã truyền lại nghề, nhưng rất ít đa số họ ở độ tuổi 40-50; còn lớp trẻ thì tuyệt nhiên không có ai.

Chiếc mủng bằng tre ông Bùi Tự hoàn thành sau nhiều buổi trưa

 

Ông Bùi Tự cho biết thêm; khi đan đát thường chọn loại tre già dài lóng, để làm nan. Tùy theo kích thước sản phẩm to hay nhỏ mà cưa tre thành từng đoạn dài ngắn khác nhau, rồi dùng rựa để chẻ tre ra thành từng thanh mỏng, gọi là nan. Độ dày mỏng với bề ngang to nhỏ khác nhau của nan hoàn toàn tuỳ thuộc theo loại sản phẩm. Bởi vậy nan đan rổ không giống nan đan sàng, đan nong. Nan đan lờ thả cá không giống nan đan thúng, mủng. Nan càng trau chuốt thì sản phẩm làm ra càng đẹp. Ngày nay, giá trị của một sản phẩm không cao, ví dụ 1 cái mủng, cái rổ giá từ 70-100 ngàn đồng, so với ngày công bỏ ra thì chưa tương xứng, cho nên công đan đát ra một sản phẩm thường thì người đan tận dụng vào thời gian rãnh rỗi để thực hiện. Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà nghề đan lát không thu hút được giới trẻ, dẫn đến mai một nghề đan tre truyền thống.

Nghề đan lát đã xuất hiện qua bao đời nay; biết bao vật dụng cần thiết bằng tre đan đã gắn bó với một đời người; do vậy đa số người dân các làng quê đều coi đan lát là nghề truyền thống và là niềm tự hào của quê hương mình -cần lưu giữ….

Bài ảnh: Văn Việt

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 826

Tổng số lượt xem: 7805322

Cổng thông tin điện tử huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Trưởng Ban biên tập: Phạm Quang Sự - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn

Điện thoại: 0255.3851261; Email: binhson@quangngai.gov.vn;

Địa chỉ: Số 395 đường Phạm Văn Đồng - TDP 4 thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

ipv6 ready