Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BÌNH SƠN

Đìu hiu “Xóm lò rèn” Bình Trung

03/02/2021 15:59    544

Lò rèn của ông Phạm Văn Hiệu “Xóm lò rèn” xã Bình Trung

Xã Bình Trung (Bình Sơn) có 6 thôn, dân số trên dưới 10 ngàn người. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, một số tranh thủ thời gian rãnh rỗi làm các nghề phụ như thợ mộc, thợ xây; buôn bán nhỏ. Đặc biệt là còn có một bộ phận làm nghề rèn dao, rựa, câu liêm, lưỡi hái vv…. để phục vụ cho việc làm đất, cuốc cỏ, gặt hái trong nông nghiệp, đồng thời kiếm thêm thu nhập. Những năm 1980 về trước nghề “rèn sắt” là thịnh nhất, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, vì vậy người làm nghề có thu nhập khá. Ở xã Bình Trung lúc bấy giờ có khá nhiều “Lò rèn sắt” nổi tiếng như lò rèn ông Bảy, ông Hữu ở thôn Phú Lễ…mà tập trung nhất là ở xóm Chí Nguyện, ở đây thời cao điểm có trên dưới chục lò rèn, ngày đêm làm ra sản phẩm cũng không kịp đáp ứng cho người dân. Nổi tiếng là vì nhu cầu của người dân khá nhiều nhưng thợ làm ra sản phẩm thì ít. Sống được với nghề cũng là do thời điểm bấy giờ các ngành công nghiệp, cơ khí chưa phát triển nên sản phẩm làm ra khan hiếm, cung không đủ cầu.

Một ngày đầu năm 2021, tôi đến “Xóm lò rèn” ở thôn Phú Lễ 1, xã Bình Trung, đảo qua một vòng và nhẩm đếm có đến 5 lò rèn còn đầy đủ dụng cụ làm nghề, nhưng rất tiếc chỉ để đó hoặc phơi quần áo, hoặc chất củi, than … không có lò nào nổi lửa để rèn. May mắn gặp được ông Phạm Văn Hiệu, một chủ lò ở “Xóm lò rèn”, lòng tôi vui như mở cờ trong bụng; nghỉ chắc qua ông biết đôi chút về nghề rèn truyền thống ở đây. Tổi mở lời, chào anh; ông đáp trả lại tôi- ông hỏi chi ? hỏi về nghề rèn á ? Thôi đi ông cái nghề này họ bỏ hết rồi, bám theo lấy gì sống ?, ông Hiệu nói một cách giận dữ như tôi là người làm nên tội đối với nghề rèn. Kiên trì, tôi bám theo hỏi chuyện; nhưng với những câu trả lời khá chua cay, cộc lốc hơi khó nghe nhưng tôi vẫn cố, bởi đây ít nhiều cũng là công việc của tôi. Ông Phạm Văn Hiệu bảo; làm sao cho lại với máy móc, chúng tôi làm thủ công sản phẩm làm ra ít, công cán bỏ vào nhiều, chỉ tận dụng “công xắp” kiếm thêm chút tiền, chứ lấy đâu làm giàu ?. Nếu bám theo nghề thì may lắm chỉ đủ sống thôi. Tôi thấy chạnh lòng với những câu trả lời của ông Hiệu, và chẳng muốn hỏi thêm ông điều gì, và nếu hỏi thêm chỉ nhận lấy những câu trả lời như trách cứ ! Tôi xin chụp một kiểu hình cùng với sản phẩm mà ông Hiệu cũng từ chối đành đạch, nên phải chụp lò rèn trống không…

Cũng cần nói thêm; với đức tính cần cù, yêu nghề, sản phẩm rèn của “Xóm lò rèn” trước đây cũng có tiếng bền đẹp, sắc bén được bà con thôn xóm ưa chuộng. Các lò sử dụng thép nhíp xe hơi để chế tác rựa và dùng lam cưa máy để rèn dao, nên sắc bén lắm. Một trong những kỹ thuật làm ra sản phẩm sắc bén đó là “Trui”. Nếu thép trui non khi chặt cây sẽ bị mếu; nếu trui già lửa sẽ bị mẻ lưỡi. Cán rựa, cán dao  trước đây được làm bằng cành cây mù u; nhưng bây giờ kiếm đâu ra cành cây mù u để làm cán, cho nên sử dụng cây rừng là chính nhưng cũng hiếm nên đa số sử dụng ống đồng và thép khung giàn giáo phế thải làm khâu dao, khâu rựa hoặc làm cán.

Lò rèn của ông Phạm Văn Ninh “Xóm lò rèn”xã Bình Trung

 

 Mỗi ngày, một thợ chính và thợ phụ thổi lửa, đập búa chỉ có thể chế tác hoàn chỉnh 1 chiếc rựa hoặc chiếc dao. Bán cho bà con quanh vùng mua sử dụng; rựa với giá 300-350 ngàn đồng/chiếc; dao bán giá 100 ngàn đồng/chiếc, đem chia hai mỗi người kiếm vài trăm ngàn đồng/ngày, mà đâu phải ngày nào cũng có để làm, nên bám theo nghề không đảm cuộc sống gia đình là vậy.

Nếu để bảo tồn nghề truyền thống của ông bà; chỉ cần chịu khó tập trung học nghề từ 6 tháng đến 1 năm là có thể làm ra sản phẩm. Nhưng bảo đảm cuộc sống ổn định bền vững cho những người thợ; giữ nghề, tận tâm gắn bó với nghề thì thật không dễ…. Đây là nổi trăn trở của những người thợ yêu nghề rèn truyền thống và cũng là điều lo lắng các cấp chính quyền địa phương.

Bài ảnh: Văn Việt

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 696

Tổng số lượt xem: 7789880

Cổng thông tin điện tử huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Trưởng Ban biên tập: Phạm Quang Sự - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn

Điện thoại: 0255.3851261; Email: binhson@quangngai.gov.vn;

Địa chỉ: Số 395 đường Phạm Văn Đồng - TDP 4 thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

ipv6 ready