Tăng cường phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi trong mùa đông
22/10/2021 21:45 232
Đàn trâu nuôi của người dân xã Bình Phước Từ đầu năm 2021 đến nay, một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm đã xảy ra tại một số địa phương trong huyện như: Bệnh Lở mồm long móng xảy ra trên địa bàn xã Bình Thanh, bệnh Dịch tả lợn xãy ra tại xã Bình Trị, Bệnh Viêm da nổi cục xãy ra trên toàn huyện gây thiệt hại lớn về kinh tế. Một số dịch bệnh khác trên gia súc, gia cầm cũng đã xảy ra rải rác gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Như vậy hiện nay nhiều loại mầm bệnh nguy hiểm vẫn tồn tại và lưu hành trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ bùng phát thành dịch lớn.
Trong những tháng cuối năm, các hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm tăng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp đến. Trong khi đó, thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa đông, giá lạnh làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán và gây bệnh. Để chủ động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi, ngành chức năng ở huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi.
Bò nuôi nhốt chuồng ở xã Bình minh
Đối với trâu, bò, chủ động gia cố, che chắn, đảm bảo chuồng trại đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt nền chuồng. Dự trữ chất đốt củi, trấu, mùn cưa ... để đốt, sưởi ấm cho gia súc trong những ngày mưa lạnh, rét đậm, rét hại. Chú ý chuồng phải thông thoáng phía trên để gió vẫn lưu thông, khi đốt lửa sưởi, khói sẽ thoát ra ngoài, không tích khí độc trong chuồng nuôi. Thực hiện các biện pháp bảo quản và dự trữ thức ăn, nhất là rơm rạ, cỏ khô; chế biến thức ăn ủ chua, rơm ủ urê; tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò. Chuẩn bị thức ăn tinh (bột ngô, sắn, cám gạo...), khoáng, vitamin để cung cấp đủ cho gia súc trong những ngày giá rét.
Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, đặc biệt đối với trâu, bò già, yếu, gia súc non cần có chế độ nuôi dưỡng phù hợp để tăng cường phòng chống rét và dịch bệnh. Cho trâu bò ăn đủ lượng cỏ các loại (cỏ xanh, cỏ ủ hoặc rơm khô, rơm ủ urê), thức ăn tinh (là bột ngô, sắn, cám gạo...). Bổ sung muối ăn với lượng 15g (tương đương với 3 thìa cà phê) bằng cách hoà vào nước uống (nước ấm là tốt nhất) cho trâu, bò uống. Không thả rông trâu, bò trong rừng, núi; chủ động đưa trâu, bò về nơi nuôi nhốt, trong chuồng kín gió, nền chuồng khô ráo, sưởi ấm vào ban đêm; mặc áo chống rét bằng bao tải gai, bao tải dứa để giữ ấm cho trâu bò. Không cho trâu, bò làm việc, chăn thả ngoài trời khi nhiệt độ dưới 120C. Định kỳ khử trùng, tiêu độc chuồng trại theo hướng dẫn bằng các loại hoá chất như: Iodine, Benkocid, vôi bột ...Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin phòng bệnh cho trâu, bò theo quy định. Đối với lợn-Chuồng trại vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, không để đọng phân, nước thải trong chuồng; che kín xung quanh chuồng nuôi, không để gió lùa nhất là vào ban đêm; làm chuồng úm đối với lợn con theo mẹ. Không cọ rửa chuồng hoặc tắm cho lợn vào những ngày mưa rét nhiệt độ xuống dưới 120C. Cho uống đủ nước sạch, bổ sung thêm các Vitamin tổng hợp, men tiêu hoá trộn vào nước uống, thức ăn theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Khẩu phần ăn đảm bảo đầy đủ, cân đối chất dinh dưỡng theo từng giai đoạn phát triển của lợn. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh cho đàn lợn như: Dịch tả lợn, Lở mồm long móng,...
Chăn nuôi gà trang trại ở xã Bình Khương
Đối với gà-Chuẩn bị đầy đủ phên, bạt để che chắn, chống gió lùa; bổ sung thêm bóng điện (bóng tròn, bóng hồng ngoại) để sưởi ấm cho gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại. Đảm bảo thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với từng lứa tuổi của gà; cho uống đủ nước sạch, ấm và bổ sung thêm đường gluco, các loại vitamin tổng hợp, men tiêu hoá để nâng cao khả năng chống bệnh cho gà.Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và thay chất độn chuồng. Định kỳ khử trùng, tiêu độc chuồng trại theo hướng dẫn của ngành chức năng ...
Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm đặc biệt là: Cúm gia cầm, Niu cát xơn, Gumboro,...Ngoài các biện pháp đã thực hiện như trên, cần theo dõi thường xuyên tình trạng đàn vật nuôi để phát hiện, xử lý kịp thời khi đàn vật nuôi có biểu hiện ảnh hưởng do đói, rét, dịch bệnh. Tăng cường kiểm tra, kiểm dịch vận chuyển, lưu thông, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm nhất là tại các chợ, điểm buôn bán, giết mổ, các trục đường giao thông chính. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm như vận chuyển không có giấy kiểm dịch, vận chuyển vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi không rõ nguồn gốc; vận chuyển, tiêu thụ, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm ốm, bệnh hoặc chết; các hành vi gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường….
Tin liên quan
- Hơn 12 tỷ đồng hỗ trợ diện tích đất nông nghiệp bị ngập úng, trài lấp
- Nguồn vốn vay giải quyết việc làm tiếp sức cho nhiều nông dân
- Nông dân Bình Sơn vừa phòng chống dịch vừa thu hoạch lúa Hè Thu
- Nông dân Bình Sơn thu hoạch lúa Hè Thu
- Bình Sơn: Thả trên 200.000 con cá, tôm, cua giống tái tạo nguồn lợi thủy sản
- Bình Sơn: Ngư dân kỳ vọng vào mùa biển mới
- Ra khơi mùa biển động
- Lãnh đạo huyện Bình Sơn thăm, tặng quà, chúc Tết ngư dân
- Bàn giao bộ nhận diện thương hiệu, Website và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm
- Hiệu quả từ công tác dồn điền đổi thửa ở Bình Minh