Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BÌNH SƠN

Sinh hoạt chi bộ - nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên

28/05/2021 09:54    3143

Sau 05 năm thực hiện Chỉ thị 14-CT/TU ngày 10/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, việc tổ chức sinh hoạt chi bộ của các tổ chức đảng thuộc Đảng bộ huyện có nhiều chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ và đảng viên nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tổ chức cơ sở đảng, chi bộ và việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; xác định sinh hoạt chi bộ là nghĩa vụ, trách nhiệm hết sức quan trọng của mỗi tổ chức đảng và đảng viên; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, giúp đảng viên nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng và thực hiện chức năng lãnh đạo, giáo dục của chi bộ. Hầu hết các chi bộ thể hiện được vai trò là hạt nhân chính trị ở thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị để lãnh đạo xây dựng cơ quan, đơn vị, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các chi bộ, tổ chức cơ sở đảng từng bước được nâng lên; phần lớn cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; công tác kết nạp đảng viên được chú trọng, nhất là trong lực lượng đoàn viên, thanh niên.

Chất lượng sinh hoạt chi bộ từng bước được nâng lên, đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu trong Đảng, là nơi giáo dục rèn luyện và bồi dưỡng đảng viên; các cấp ủy luôn chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, quần chúng để kịp thời định hướng nhận thức, tư tưởng cho đảng viên; có giải pháp lãnh đạo, giáo dục, ngăn ngừa các biểu hiện và hành vi tiêu cực, không để xảy ra tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; chú trọng việc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu  hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thời gian sinh hoạt chi bộ được thực hiện và duy trì theo đúng quy định. Đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, tổ dân phố đạt từ 85% trở lên, các chi bộ khác từ 95-100%, các đảng viên vắng mặt cơ bản đều có lý do chính đáng và có báo cáo xin phép với chi bộ.

Nội dung sinh hoạt chi bộ hằng tháng đảm bảo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của trung ương. Theo đó, hằng tháng, nội dung sinh hoạt được bí thư (hoặc phó bí thư) chi bộ chuẩn bị chu đáo, họp chi ủy để thống nhất nội dung trước khi tổ chức sinh hoạt chi bộ, trong sinh hoạt thực hiện đầy đủ 03 bước (mở đầu, tiến hành sinh hoạt và kết thúc), trong đó phần tiến hành sinh hoạt được các chi bộ dành nhiều thời gian để triển khai nội dung và tham gia thảo luận. Việc đánh giá nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các chi bộ thực hiện nghiêm túc với những cách làm phong phú, sinh động; những vấn đề tư tưởng chi bộ cần quan tâm chỉ đạo kịp thời, đúng quy định. Thông qua sinh hoạt chi bộ hằng tháng, cấp ủy chi bộ luôn chú trọng việc nắm tình hình tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên được phân công; kịp thời giúp đỡ, giáo dục những đảng viên còn thiếu sót, khuyết điểm để có hướng khắc phục.

Công tác chuẩn bị nội dung sinh hoạt đã được cấp ủy, bí thư, phó bí thư chi bộ chuẩn bị chặt chẽ, chu đáo và khoa học. Nội dung sinh hoạt đã được đổi mới theo hướng thiết thực, cụ thể, gắn nội dung sinh hoạt của chi bộ với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Cấp ủy, chi bộ đã thực hiện khá tốt việc mở rộng và phát huy dân chủ, nhất là việc thảo luận, quyết định những vấn đề về chức năng, nhiệm vụ của chi bộ; trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của đảng viên, đã tạo được không khí cởi mở, chân thành để mọi cán bộ, đảng viên bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình; luôn mở rộng và thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, bảo vệ những đảng viên thẳng thắn đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, tiêu cực, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Việc tổ chức sinh hoạt chi bộ ngày càng đi vào nề nếp, nghiêm túc và có nhiều đổi mới về phương thức; nội dung sinh hoạt phong phú; công tác quản lý đảng viên từng bước chặt chẽ, đảng viên ngày càng có ý thức, trách nhiệm đối với việc tham gia sinh hoạt chi bộ; kết luận, ban hành nghị quyết của chi bộ ngày càng có chất lượng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngay từ chi bộ.

Trong 05 năm qua, các chi, đảng bộ trực thuộc đã tổ chức 18 đợt sinh hoạt chuyên đề theo từng chủ điểm, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu, nội dung của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay. Thông qua từng chủ điểm, mỗi cán bộ, đảng viên tự giác nghiên cứu, tham gia thảo luận, soi rọi bản thân, xây dựng ý thức tự rèn luyện; thường xuyên học tập, rèn luyện, thực hành phong cách, tác phong làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng chi, đảng bộ, cơ quan, đơn vị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Ngoài ra, các chi bộ còn lựa chọn một số vấn đề mới, phù hợp với nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị và chức trách, nhiệm vụ của đảng viên để xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề. Việc tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề nhằm tập trung sự lãnh đạo của tổ chức đảng, nâng cao kiến thức, năng lực và phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trong quá trình thực hiện đã có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả, sáng tạo trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Các chi bộ đã kịp thời khắc phục được tính đơn điệu, hình thức trong sinh hoạt chi bộ, nhất là việc thực hiện không đúng với nội dung sinh hoạt chi bộ, chủ yếu bàn về công việc chuyên môn. Tính lãnh đạo, tính chiến đấu, tính giáo dục, tính dân chủ, tinh thần tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ được phát huy. Năng lực cấp ủy chi bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy được nâng cao.

Mô hình “Tiết kiệm làm theo Bác” đã vận động tiết kiệm được gần 4,4 tỷ đồng và 19.741 kg gạo hỗ trợ cho 2.025 đối tượng thuộc hộ nghèo, gia đình khó khăn, già yếu, ốm đau, học sinh nghèo vượt khó học giỏi, hỗ trợ quỹ khuyến học tại địa phương. Mô hình “gần dân, giúp dân - đảng viên giúp hộ gia đình”, đảng viên được phân công đã tuyên truyền, giáo dục, vận động các thành viên trong hộ, nhóm hộ chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các qui định của địa phương; tích cực hướng dẫn, giúp đỡ các hộ trong việc ăn ở hợp vệ sinh, nuôi dạy con cái; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn trong thôn xóm; xây dựng gia đình văn hóa; vận động, hướng dẫn các hộ và nhóm hộ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; tạo được sự gần gũi giữa cán bộ với quần chúng nhân dân, tăng cường mối đoàn kết ở thôn, xóm, khu dân cư.

Một số mô hình như: “Gần dân, sát việc”; “4 đúng, 4 phải, 3 sát”, vận động cán bộ, đảng viên, Nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới, tiết kiệm trong tổ chức ma chay, hiếu, hỉ; mỗi đảng viên vận động 02 hộ dân đi dự sinh hoạt khu dân cư, tổ dân phố; vận động ít nhất 01 hộ dân không đổ rác thải, nước bẩn gây ô nhiễm môi trường; tham gia giải thích cho người dân hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng, phát hiện và tham gia giải quyết bức xúc của Nhân dân ở cơ sở,… được nhiều đơn vị thực hiện đem lại kết quả bước đầu.

Công tác xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư, phó bí thư chi bộ ở thôn, tổ dân phố đảm bảo số lượng, chất lượng. Có 118/120 trưởng thôn là đảng viên, 118/120 trưởng ban công tác Mặt trận thôn là đảng viên; 21/120 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố; 78/120 phó bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố; 47/120 bí thư kiêm trưởng ban công tác Mặt trận thôn, 28/120 phó bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác Mặt trận thôn. Việc thực thực hiện Chỉ thị 14 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh; phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng thôn, tổ dân phố phát triển toàn diện, vững mạnh. Việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở cơ sở được thống nhất, hiệu quả, nhất là kịp thời nắm bắt, giải quyết những vấn đề bức xúc trong Nhân dân. Các chi bộ ở địa bàn dân cư lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; mối quan hệ và cơ chế lãnh đạo giữa đồng chí bí thư chi bộ với trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận thôn ngày càng gắn bó và đồng bộ hơn. Khi trưởng thôn là đảng viên, công tác phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của chi bộ và chỉ đạo của cấp trên được thuận lợi.

Công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, phát triển đảng viên ở các chi bộ thôn, tổ dân phố luôn được quan tâm. Trong 5 năm, đã kết nạp được 402 đảng viên ở chi bộ thôn, tổ dân phố trong tổng số 1.064 đảng viên mới được kết nạp vào đảng. Tại huyện Bình Sơn, nhiệm kỳ đại hội chi bộ và nhiệm kỳ của trưởng thôn, tổ dân phố là 2,5 năm; đại hội chi bộ thôn, tổ dân phố nhiệm kỳ 2020-2022 đã bầu 120/120 bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố; việc bầu trưởng thôn, tổ dân phố được thực hiện sau đại hội chi bộ, đến nay đã bầu cử 107/120 trưởng thôn, còn lại 13 trưởng thôn sau bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ tiến hành kiện toàn, bổ sung. Nhiệm kỳ đại hội chi bộ, thời gian bầu trưởng thôn, tổ dân phố như hiện nay là phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Từ năm 2017 đến năm 2020, huyện đã kiểm tra, giám sát đối với 11 tổ chức đảng. Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện ủy phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phụ trách các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi thực hiện Chỉ thị 14; định kỳ hàng quý dự sinh hoạt tại các chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã, thị trấn được phân công phụ trách. Cấp ủy cơ sở phân công đảng uỷ viên phụ trách địa bàn thường xuyên theo dõi, tham gia sinh hoạt chi bộ mình phụ trách để kịp thời hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện các chủ trương của cấp ủy cấp trên, báo cáo thường xuyên chất lượng sinh hoạt của từng chi bộ; chăm lo chỉ đạo công tác xây dựng đảng ở nơi mình đang sinh hoạt và chịu trách nhiệm khi chi bộ nơi mình sinh hoạt yếu kém.

Nhìn chung, các loại hình chi bộ hầu hết đều sinh hoạt đúng theo quy định của Điều lệ Đảng. Cấp ủy, bí thư chi bộ đã chuẩn bị khá tốt về nội dung, chương trình cho cuộc họp; bố trí thời gian, địa điểm hợp lý để đảng viên có thời gian chuẩn bị ý kiến đóng góp trong cuộc họp và dự họp đầy đủ, đúng quy định. Cấp ủy ủy, bí thư chi bộ chọn lọc những công việc cụ thể, thiết thực sát với tình hình nhiệm vụ chính trị của chi bộ và của địa phương, cơ quan, đơn vị để đưa ra chi bộ thảo luận, bàn biện pháp tổ chức thực hiện. Qua sinh hoạt, bí thư chi bộ nắm bắt thông tin về tình hình tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức; việc thực hiện nhiệm vụ của từng đảng viên trong chi bộ nhằm kịp thời biểu dương khen thưởng, nhắc nhở, uốn nắn, không để đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng và không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chất lượng sinh hoạt và hiệu quả hoạt động của chi bộ không ngừng nâng lên, góp phần quan trọng cho việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Việc nắm tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội; công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên của một số chi bộ còn hạn chế; một số đảng viên chưa tham gia đầy đủ các buổi học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Công tác quản lý đảng viên của một số chi bộ, nhất là chi bộ ở địa bàn dân cư gặp nhiều khó khăn; việc chuẩn bị nội dung sinh hoạt chi bộ định kỳ đôi lúc còn lúng túng; tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao, chưa mạnh dạn tham gia góp ý đấu tranh xây dựng. Một số cấp ủy cơ sở thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đôi lúc thiếu kịp thời; năng lực lãnh đạo chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; lúng túng trong việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, các nghị quyết, kết luận của chi bộ. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề của một số chi bộ hiệu quả chưa cao; ý kiến đóng góp của đảng viên chưa đi vào trọng tâm cuộc họp, chưa liên hệ nhiệm vụ cụ thể của tổ chức và cá nhân. Thực hiện khắc phục những tồn tại, hạn chế qua kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI còn một số vụ việc phức tạp, kéo dài, giải quyết chưa dứt điểm, như: công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tình trạng làm nhà, lều quán, công trình trái phép; giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân; công tác cải cách hành chính; xử lý những vấn đề nổi cộm, phát sinh. Thực hiện chủ trương các chức danh kiêm nhiệm ở thôn, tổ dân phố còn nhiều khó khăn và bất cập; người được giao nhiệm vụ thực hiện khối lượng công việc lớn nhưng với mức phụ cấp hiện nay là quá thấp, không đủ để người tham gia ở thôn, tổ dân phố trang trải cuộc sống, ảnh hưởng đến phong trào chung của địa phương.

Bài ảnh: Thanh Nga

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1146

Tổng số lượt xem: 10542481

Cổng thông tin điện tử huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Trưởng Ban biên tập: Phạm Quang Sự - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn

Điện thoại: 0255.3851261; Email: binhson@quangngai.gov.vn;

Địa chỉ: Số 395 đường Phạm Văn Đồng - TDP 4 thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

ipv6 ready