Skip to Content

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BÌNH SƠN

Lực lượng vũ trang huyện Bình Sơn trong mùa Xuân lịch sử

23/03/2023 11:03    329

Với khẩu hiệu: "Hy sinh vì Tổ quốc, quyết giải phóng quê hương Bình Sơn", ngay từ tháng 02/1975, Huyện ủy, Ban Chỉ huy Huyện đội Bình Sơn đã triển khai kế hoạch cụ thể cho các tổ chức cơ sở Đảng, các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và du kích khẩn trương xây dựng lực lượng, nắm chắc mục tiêu trọng điểm, đối tượng tiến công; tuyển chọn thanh niên bổ sung cho các đơn vị vũ trang huyện, du kích.

     Ngày 21/3/1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra chỉ thị yêu cầu quân và dân trong tỉnh, các cấp ủy, các đơn vị lực lượng vũ trang cần phải nhanh chóng triệt phá ngay ngụy quyền, các lực lượng chính trị của chúng, các đơn vị ngụy quân; phải giành dân, làm chủ từng vùng rộng lớn kể cả thị trấn, thị xã, nổi dậy tới đâu phải tổ chức xây dựng ngay các đoàn thể, chính quyền cách mạng, lực lượng vũ trang địa phương đến đó; tốc độ nổi dậy phải nhanh, mạnh, rộng từ nông thôn chuyển mạnh vào quận lỵ, thị trấn, thị xã,… Để mỗi cá nhân, tập thể quyết tâm làm tròn nhiệm vụ của mình, Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy địa phương cần nhanh chóng quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào rõ chủ trương dứt khoát của ta là nhất định phải đánh đổ ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Ngãi.

     Chiều ngày 22/3/1975, Thường vụ Huyện ủy Bình Sơn họp bất thường tại thôn Phước Thuận để quán triệt Chỉ thị của Thường vụ Tỉnh ủy và triển khai lực lượng áp sát bao vây địch, cắt đứt giao thông quốc lộ 1 và tấn công tiêu diệt chúng, phá khu dồn, giải phóng các xã Bình Chánh, Bình Thạnh, Bình Dương, Bình Thới, Bình Long, bao vây chi khu quận lỵ. Đồng thời, Thường vụ Huyện ủy còn chủ trương phân công cán bộ về chỉ đạo xây dựng chính quyền, các đoàn thể vùng mới giải phóng để ổn định đời sống của Nhân dân, nhất là đồng bào ở khu dần mới về làng cũ; giải quyết cứu trợ, giúp đỡ Nhân dân ở Chí Trung bị bom, pháo địch tàn phá; tiếp tục truy bắt bọn tàn binh, ngụy quyền và ác ôn; huy động bổ sung thanh niên cho lực lượng vũ trang huyện, tỉnh để tiếp tục chiến đấu và tổ chức thành lập ban tiếp quản quận lỵ, thị trấn.

     Được Thường vụ Tỉnh ủy và Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu nhất trí chuẩn y kế hoạch tác chiến tiêu diệt địch ở Quảng Ngãi; Ban Chỉ huy chiến dịch Quảng Ngãi quyết định chậm nhất là ngày 24/3/1975 phải chuyển sang giai đoạn tiến công và nổi dậy giải phóng thị xã Quảng Ngãi và các thị trấn, quận lỵ trong tỉnh. Đêm 23/3/1975, Trung đoàn 94 và Đại đội 31 huyện Bình Sơn đã chiếm lĩnh, triển khai trận địa phục kích trên Quốc lộ số 1 kéo dài 7km từ Bình Long (Bình Sơn) đến Dốc Trạm (Sơn Tịnh). Đại đội 31 huyện triển khai đội hình từ Dốc Long Giang đến ngã ba đi Trà Bồng. Đại đội 95 huyện và Đại đội Công binh tỉnh chiếm lĩnh đoạn Quốc lộ số 1 đoạn từ cầu Sông Chùa ra Nước Mặn, chia cắt chi khu, quận lỵ Bình Sơn với Chu Lai, đánh sập 3 cầu: Ô Sông, Sông Chùa, Nước Mặn. Hình thành trận địa phục kích từ Dốc Trạm (Sơn Tịnh) đến Dốc Sỏi (Bình Sơn) kéo dài 15km, cô lập, bao vây quận lỵ Bình Sơn, chia cắt thị xã Quảng Ngãi từ hướng Bắc, sẵn sàng tiêu diệt địch từ Quảng Ngãi rút chạy ra Chu Lai.

    Như dự đoán, thất bại nặng nề ở thị xã Quảng Ngãi, địch mở đường máu tháo chạy về hướng Chu Lai. 20 giờ ngày 24/3/1975, một số xe và bộ binh địch đi đầu đến cầu Ô Sông thì bị Đại đội 31 huyện Bình Sơn phá sập cầu, chặn đánh. Một số xe của chúng nhào xuống sông hoặc bị bắn cháy nằm tại chỗ. Số ngụy quân, ngụy quyền còn lại không thể chạy ra Chu Lai bằng xe cơ giới mà phải chạy bộ xuống Gò Rộng (Bình Phước), Long Vĩnh (Bình Long), gặp du kích gọi hàng, bắt sống trên 200 tên. Một số khác cầm cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng, đi từng đoàn nhằm đánh lừa ta để thoát ra Chu Lai nhưng bị du kích xã Bình Long và Đại đội 31 phát hiện bắt gọn, thu hàng trăm súng. Cùng với các địa phương trong tỉnh, gần 12 tiếng đồng hồ, Trung đoàn 94 và lực lượng vũ trang huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh chiến đấu liên tục, đã tiêu diệt gần 600 tên địch, bắt sống trên 2.000 tên lính và hàng ngàn tên ngụy quyền, ác ôn; bắn cháy, phá hủy 206 xe tăng, xe bọc thép và xe cơ giới; thu hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến tranh trên một đoạn đường dài 3km.

     Thừa thắng, sáng ngày 25/3/1975, Đại đội 95 huyện tấn công tiêu diệt Trung đội Nghĩa quân ở cầu Sông Chùa, phát triển vào chi khu quận lỵ Bình Sơn, diệt Đại đội Bảo an ở cầu Châu Ổ, bắn cháy 4 xe bọc thép, toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền ở quận lỵ ra đầu hàng. Cờ Mặt trận giải phóng tung bay trên nóc nhà quận lỵ, báo hiệu huyện nhà được hoàn toàn giải phóng. Các đơn vị 31, 41, 51, 95 và du kích cùng lực lượng quần chúng khởi nghĩa tiến công đập tan nát các chốt điểm còn lại của địch ở Bình Thạnh, Bình Chánh, Bình Dương, Bình Thới, Bình Long;

     Đến 11 giờ ngày 25/3/1975, các chốt điểm quan trọng ở trung tâm quận lỵ Bình Sơn, trận địa pháo 105 ly, cối 106 ly, khu hành chính Đồi Chùa đều bị lực lượng vũ trang ta tiêu diệt và chiếm lĩnh hoàn tòn. Quần chúng nổi dậy phá khu dồn giành quyền làm chủ. Nhân dân khắp nơi trong huyện treo cờ của Mặt trận giải phóng, lập bàn thờ Tổ quốc, treo ảnh Bác Hồ, dựng cổng chào, căng khẩu hiệu đón mừng chiến thắng.

     Chỉ trong vòng 10 ngày, dưới dự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, quân và dân Bình Sơn cùng quân và dân trong tỉnh phát huy cao độ sức mạnh của chiến tranh Nhân dân; thực hành tổng công kích và nổi dậy giải phóng hoàn toàn quê hương, tiếp tục lãnh đạo các lực lượng trong huyện chiến đấu, phục vụ chiến đấu, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần cùng cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài, gian khổ và đầy hy sinh, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ Nhân dân ở miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào ngày 30/4/1975. Tuy giành được thắng lợi to lớn trọn vẹn, quê hương được hoàn toàn giải phóng, nhưng công việc còn nhiều bề bộn; trong quận lỵ, thị trấn và các ấp, khu dồn mới được giải phóng còn ngổn ngang tàn tích của chế độ thực dân mới, của chiến tranh và những cảnh tượng thảm bại của kẻ thù. Phương tiện chiến tranh còn vứt bỏ bừa bãi, xác chết của bọn địch chưa kịp chôn cất, bom mìn địch còn tiếp tục gây thương vong cho Nhân dân. Đồng bào trong các khu dồn, ấp chiến lược trở về quê hương trên những vùng đất trắng vừa vui mừng vừa căm giận bọn cướp nước và bọn bán nước.

     Trước tình hình đó, Huyện ủy chỉ đạo Ban quân chính phối hợp với các đội công tác tiến hành tiếp quản các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế. Các công trình quân sự được canh gác bảo vệ, công sở, tài sản công cộng, chiến lợi phẩm được quản lý, bảo quản, tài sản của Nhân dân được bảo vệ, tài sản vắng chủ được giao cho người có trách nhiệm quản lý. Với sự tích cực, nỗ lực của các cấp chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân, các mặt đời sống, sinh hoạt nhanh chóng được ổn định. Một khí thế phấn khởi của một xã hội mới tràn ngập khắp thôn xóm trong huyện. Ngày 25 tháng 3 năm 1975 mãi mãi đi vào lịch sử huyện Bình Sơn như một mốc son chói ngời trong trang sử đấu tranh hào hùng và vô cùng anh dũng suốt 21 năm của Đảng bộ, quân và dân trong huyện. Góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam anh hùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Từ đây, quân và dân huyện Bình Sơn cùng với quân và dân cả nước bước vào thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

(Theo Lịch sử LLVTND huyện Bình Sơn 1945 - 1975)

Tin ảnh: Đức Minh

Visitor Statistic

Currently Online: 824

Total Visit: 7808999

Cổng thông tin điện tử huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Trưởng Ban biên tập: Phạm Quang Sự - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn

Điện thoại: 0255.3851261; Email: binhson@quangngai.gov.vn;

Địa chỉ: Số 395 đường Phạm Văn Đồng - TDP 4 thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

ipv6 ready